Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thiếu ý thức, nguy cơ chảy nổ còn cao

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại nặng về kinh tế. Đó là vụ cháy kho hóa chất trên đường Bạch Đằng, cháy khu vui chơi thiếu nhi ở Mỹ Đình, cháy nhà để xe tập thể Bộ Giáo dục 167 Giảng Võ, cháy quán karaoke ở Xã Đàn...


Và đặc biệt là vụ cháy tại khu vực Trạm xăng dầu số 9 (2B phố Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm) làm xôn xao dư luận. Vậy, phải chăng công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn còn nhiều vấn đề chưa được quan tâm đúng mức? Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) Hà Nội cho biết: "Hiện nay, phương tiện xe chữa cháy được trang bị chỉ đảm bảo cứu hỏa đến độ cao 53m, tương đương 17 tầng. Nhưng, trên thực tế chủ đầu tư các tòa nhà, chung cư thường có tâm lý ngày một xây cao tầng hơn. Do đó, công tác chữa cháy ở tầm cao là rất khó khăn. Việc trang bị thang cao 73m cho xe cứu hỏa là không khả thi vì xe thang rất nặng, có thể gây sập cống, đứt dây điện, đường cua xe dài không phù hợp với địa hình đường, ngõ nhỏ. Đối với chung cư cao tầng, đặc biệt từ độ cao 53m trở lên việc chữa cháy sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, ý thức phòng chống cháy nổ của mỗi người dân là rất quan trọng".
 
Thiếu ý thức, nguy cơ chảy nổ còn cao - Ảnh 1
Lực lượng phòng cháy, chữa cháy nỗ lực dập tắt vụ cháy tại khu vực Trạm xăng dầu số 9 (số 2B phố Trần Hưng Đạo) chiều 3/6. Ảnh Đức Giang

Trên thực tế tại một số chợ, chung cư và các cơ sở sản xuất, các cửa hàng xăng dầu... công tác phòng chống cháy nổ ở nhiều nơi còn chưa thật sự được quan tâm. Tại các chợ, nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu bởi hệ thống dây điện kết nối chằng chịt. Tại chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, theo quy định, mỗi ki ốt chỉ được sử dụng 1 bóng đèn và 1 ổ cắm quạt, nhưng tại các ki ốt bán quần áo, vải, các tiểu thương đều đấu dây lắp từ 3 - 4 bóng đèn và 2 - 3 ổ cắm điện. Toàn bộ bình cứu hỏa lại không được bố trí tại các ki ốt bán hàng mà được để tập trung ở một vị trí. Nếu trường hợp xảy ra cháy, công tác cứu chữa sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì lối vào các ki ốt tại khu bán quần áo, vải rất chật. Bà Nguyễn Thu Hà, Trưởng ban Quản lý chợ Nghĩa Tân thừa nhận: "Chợ được xây dựng từ năm 1992, đến nay các hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ cháy nổ xuất phát từ hệ thống dây điện được lắp nổi tại các ki ốt bán vải, quần áo là rất cao". Tại một số chợ nội thành như chợ Hôm (quận Hoàn Kiếm), chợ Bưởi (quận Ba Đình), chợ Ngã Tư Sở, chợ Thượng Đình (Đống Đa), chợ Mơ (Hai Bà trưng)… đến các chợ ngoại thành như chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Nghệ (Sơn Tây), chợ Hữu Bằng (Thạch Thất), chợ Phủ (Quốc Oai)… nguy cơ cháy nổ cũng rất cao, nếu xảy ra cháy hậu quả sẽ khôn lường.

Tại các chung cư, qua công tác kiểm tra PCCC của Sở Cảnh sát PC&CC tại 507 chung cư cao tầng đã phát hiện nhiều thiếu sót trong PCCC: Hệ thống báo cháy tự động hoạt động không tốt, hệ thống đèn chiếu sáng và đèn thoát nạn không đảm bảo... Một số chung cư như M3 - M4 (ngõ 91, đường Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa) và tòa nhà chung cư 17T4 Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính đã xảy ra cháy và mặc dù Sở Cảnh sát PC&CC đã nhiều lần lập biên bản, thậm chí xử phạt hành chính nhưng ban quản lý tòa nhà vẫn chưa lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, chưa có giải pháp ngăn chặn cháy và chống cháy lan, chưa thi công quạt tăng áp buồng thang... Có chung cư mới, tuy chưa hoàn chỉnh hệ thống PCCC nhưng chủ đầu tư cũng đã bàn giao nhà cho khách hàng, như chung cư CT6A Xa La, quận Hà Đông. Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, mới đây khi kiểm tra ba cửa hàng xăng dầu trên địa bàn quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân, thì cả ba cửa hàng đều có lỗi về PCCC. Đó là các lỗi về phương tiện chữa cháy tại chỗ đã cũ; nội quy PCCC niêm yết tại khu vực bán xăng cần phải sửa chữa và bổ sung; hệ thống tiếp điện không được bảo dưỡng thường xuyên...

Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC Hà Nội, Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho rằng: "Để thực hiện tốt công tác PCCC, không để xảy ra các vụ cháy, nổ thiệt hại nghiêm trọng đòi hỏi cơ quan chủ quản, mỗi người dân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cảnh giác đề phòng cháy nổ. Các cơ quan, đơn vị cần rà soát, xây dựng kế hoạch, sửa chữa cải tạo đảm bảo các điều kiện an toàn như đầu tư nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống điện, hệ thống báo cháy, chữa cháy. Ngoài ra, cần bố trí kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên của lực lượng PCCC cơ sở, phương tiện PCCC. Thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót có thể dẫn đến cháy, nổ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong công tác phòng chống cháy nổ mọi lúc, mọi nơi".