KTĐT - Một trong những nguyên nhân khiến việc thiêu hủy số thịt nhiễm khuẩn chưa thực hiện được vì nhiều doanh nghiệp còn ngại về mặt kinh phí.
Một số doanh nghiệp nhập khẩu thịt đông lạnh đã tẩu tán hàng nhiễm khuẩn ra thị trường vì tiếc tiền. Trong khi đó, cơ quan chức năng đang bế tắc trong việc xử lý 300 tấn thịt đông lạnh nhập khẩu nhiễm khuẩn.
Ngày 21/10, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI cho biết, việc xử lý hơn 300 tấn thịt đông lạnh nhập khẩu nhiễm khuẩn đang bế tắc về giải pháp. Doanh nghiệp không thể tái xuất, trong khi đó cơ quan thú y cũng không có đất để thiêu hủy.
Vì thế, hơn 300 tấn thịt thịt đông lạnh nhập khẩu nhiễm khuẩn vẫn đang nằm yên trong kho lạnh ở TP.HCM và Bình Dương.
Theo ông Bình, tuần qua, một số doanh nghiệp có hàng bị nhiễm khuẩn như công ty Thái Hòa (57 tấn cánh gà), công ty Việt Phong (60 tấn dồi trường và gần 20 tấn cánh, chân gà) đã làm thủ tục tái xuất, song không thành vì đã mua đứt bán đoạn
Hơn nữa, có một số lô hàng vốn không phải xuất đến Việt Nam mà xuất sang một nước khác và doanh nghiệp Việt Nam đã mua lại (với giá rẻ) rồi đưa về thị trường nội địa để tiêu thụ. Vì thế, các hóa đơn chứng từ không phù hợp, khiến việc tái xuất gặp nhiều khó khăn.
Vì thế, mặc dù tất cả các lô hàng nhiễm vi sinh đều đã có quyết định tái xuất của Cơ quan Thú y vùng VI, nhưng đến nay vẫn chưa có một tấn hàng nào được chuyển khỏi Việt Nam. Một số doanh nghiệp (chẳng hạn như công ty Intimex, công ty Quốc Thắng, Song Nam) vẫn đang “xin” thêm thời gian để tìm đối tác.
Tuy nhiên, theo ông Bình, gần như tất cả các lô hàng thịt đông lạnh bị nhiễm khuẩn gần như không thể tái xuất được.
Tính từ tháng 7/2009 đến nay, tổng cộng 17 lô hàng thịt đông lạnh nhập khẩu với trọng lượng 340 tấn của 8 doanh nghiệp bị phát hiện nhiễm vi sinh. Mặc dù vẫn nằm trong kho, nhưng ông Phạm Xuân Thảo thừa nhận, chưa chắc số hàng này có được ra thị trường hay không.
Ông Thảo cho biết thêm, mức phạt đối với doanh nghiệp tuồn hàng nhiễm khuẩn ra thị trường còn quá nhẹ. Chẳng hạn như Trúc Đen, công ty này chỉ bị phạt 29 triệu đồng.
Phương án thiêu hủy các lô hàng nhiễm khuẩn cũng đang gặp trở ngại, cơ quan thú y vùng VI chưa “thỏa thuận” được với các cơ quan ban ngành của TP.HCM để xin đốt hoặc chôn hơn 300 tấn thịt nhiễm khuẩn.
“Chúng tôi cũng đã liên hệ với bãi rác Đa Phước (H. Bình Chánh) và một số cơ sở xử lý rác thải trong thành phố nhưng không một nơi nào nhận thiêu hoặc chôn với số lượng nhiều như thế.”, ông Bình nói.
Một trong những nguyên nhân khiến việc thiêu hủy số thịt nhiễm khuẩn chưa thực hiện được vì nhiều doanh nghiệp còn ngại về mặt kinh phí.
Theo ông Bình, để thiêu hủy 1 tấn thịt phải mất khoảng 7 triệu đồng. Với 312 tấn thịt “bẩn”, số tiền các doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 2,1 tỉ đồng.
Trong thời gian chờ có đất để thiêu hủy, một vài doanh nghiệp đã xin chuyển mục đích sử dụng những lô hàng nhiễm khuẩn của mình làm thức ăn cho cá sấu ở TP.HCM, Bình Dương, Tiền Giang, mặc dù họ biết Cục Thú y đã cấm việc này.
Theo Chi cục thú y TP.HCM, vừa qua cơ quan này đã phát hiện Công ty Anh Hải Ký tẩu tán một lô hàng thịt trâu từ Ấn Độ bị phát hiện nhiễm khuẩn ra thị trường. Doanh nhiệp này đã bán toàn bộ số thịt trâu nhiễm khuẩn cho một chủ trại cá sấu tại Tiền Giang mà không khai bao với cơ quan chức năng…