Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thợ ảnh cũng là đạo diễn, họa sĩ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số đã và đang "trợ lực" cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) sáng tạo, làm ra những điều kỳ diệu trên tác phẩm của mình.

 Song ở khía cạnh khác, điều này lại làm cho người ta quên mất kiến thức cơ bản của nhiếp ảnh và việc thẩm định, đánh giá hình ảnh trở nên khó khăn, phức tạp. Chính vì thế, nhằm định hướng đúng đắn cho việc sáng tác ảnh, sáng 29/11, Hội NSNA Việt Nam đã mở cuộc bàn tròn "Sáng tạo tác phẩm ảnh trong thời đại kỹ thuật số".

Dễ dàng biến “quạ” thành “công”

Đánh giá thực trạng nhiếp ảnh trong thời đại kỹ thuật số, NSNS Vũ Đức Tân cho rằng: Chúng ta đang sống trong một thế giới bị vây quanh bởi cái thật và cái ảo. Có những lúc chúng ta bị kéo ra xa đời sống, chìm vào cái ảo. Thời đại kỹ thuật số đã nâng cao chất lượng hình ảnh tới mức khó hình dung được. Nhưng như vậy ranh giới giữa cái thật và cái ảo này trong tâm trí của chúng ta đã bị trộn lẫn. Chính vì thế, mặc dù ảnh gốc vẫn được coi là sự đắt giá nhưng chúng không độc tôn như trước. Quan niệm về hiện thực nhiếp ảnh cũng có sự thay đổi, thế giới hình ảnh không còn là những gì ghi chép được mà còn có thể biến đổi được. Bởi với máy ảnh phim chúng ta khó có thể biến đổi hình ảnh, nhưng bây giờ với "mụ phù thủy" photoshop, chỉ cần óc sáng tạo và bàn tay khéo léo, bất kỳ "tay máy" nào cũng có thể biến "quạ" thành "công". Và khi đối tượng của nhiếp ảnh không còn chỉ là những ghi chép hiện thực mà còn cả những gì người ta nghĩ ra, người NSNA không đơn thuần chỉ chụp ảnh mà còn có thể đảm trách vai trò đạo diễn, hay họa sĩ.
Thợ ảnh cũng là đạo diễn, họa sĩ - Ảnh 1
Thực tế, trong giới nhiếp ảnh đang tồn tại 2 xu hướng là đi theo nguyên bản từ tổ nghề nhiếp ảnh cách đây 170 năm, và đi theo lề lối sáng tạo của các họa sĩ. Do đó, dần dần đã tách ra 3 lĩnh vực ảnh gồm: Ảnh truyền thống; ảnh sáng tạo (chỉnh sửa ảnh theo cảm nhận chủ quan dựa trên ảnh gốc); và ảnh đồ họa (sáng tác có tính áp đặt, thể hiện cái tôi và những suy nghĩ của người sáng tác). Điều này lý giải tại sao ngày càng có nhiều triển lãm ảnh ý tưởng trình diện trước công chúng. Nhưng dù là nghệ thuật đồ họa đi chăng nữa thì ý tưởng cũng xuất phát từ cuộc sống và mong diễn tả được bản chất của sự việc.

Mỗi tác phẩm là một “hoa hậu”

Mặt trái lớn nhất của sự phát triển kỹ thuật số là Ban giám khảo vô cùng khó khăn tại các cuộc thi ảnh gốc. "Ngoài việc nhặt "rác", xử lý khiếm khuyết ảnh trong khi chụp thì xu hướng làm đẹp ảnh trở nên phổ biến. Việc dùng phần mềm để ghép từ nơi này với nơi khác, năm này sang năm khác đã làm biến đổi hoàn toàn hiện thực. Việc này khiến các Hội đồng giám khảo nhiều phen đau đầu, nhiều khi không phân biệt được thực, hư và để "lọt lưới"" - NSNA Lê Hồng Linh - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, Hội NSNA Việt Nam chia sẻ. Ông cho rằng, một tác phẩm ảnh nghệ thuật có thể ví như một "hoa hậu". Trước hết phải có "thể hình" đẹp, sau đó mới xét đến vẻ đẹp bên trong: Trí tuệ, văn hóa, bản sắc dân tộc. Hình thức và nội dung luôn song hành, hòa quyện lẫn nhau để tạo ra một thể thống nhất. Do đó, đã mang danh là nghệ sĩ thì không được phép tầm thường cái nhìn của mình để rồi sao chép hiện thực một cách nhạt nhẽo, vô cảm. Để làm được điều này, mỗi "tay máy" cần đề cao hình thức nghệ thuật cho đứa con tinh thần của mình.

Rõ ràng, trong thời đại kỹ thuật số, các lĩnh vực ảnh ngày càng đa dạng, người nghệ sĩ cũng được thỏa sức sáng tạo. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến nhiều tiêu cực trong các cuộc thi nhiếp ảnh thời gian gần đây. Hơn tất cả để nhiếp ảnh thực sự đẹp với những gì vốn có, các NSNA phải trung thực trong các cuộc chơi và tôn trọng sự thật khách quan.