KTĐT - “Hai tay bám chắc vào mai rùa, người tôi lắc lư theo đà di chuyển của rùa Hồ Gươm. Rùa lặn xuống, tôi cũng lặn theo...", cứ như thế, rùa kéo chú Huệ ra sát mép lưới...
Trong đợt vây bắt chiều hôm qua, 3.4, chú Huệ cùng những chiến hữu của mình đã dũng cảm dùng tay ôm lấy rùa Hồ Gươm, bơi theo hướng di chuyển của rùa nhằm lai dẫn rùa về phía túi lưới.
“Lúc ấy có kịp nghĩ gì đâu, chỉ biết lao theo thôi. Lần trước đã bắt hụt một lần rồi. Lần này dù thế nào cũng phải bắt được rùa Hồ Gươm. Đây là nhiệm vụ của chúng tôi mà” – Chú Huệ chia sẻ.
“Hai tay bám chắc vào mai rùa, người tôi lắc lư theo đà di chuyển của rùa Hồ Gươm. Rùa lặn xuống, tôi cũng lặn theo”. Cứ như thế, rùa kéo chú Huệ ra sát mép lưới, “dìm” chú xuống nước, tuy nhiên chú vẫn kiên quyết không buông tay.
"Lúc ấy mà buông tay thì thế nào rùa cũng thoát ra khỏi lưới. Dù hụt hơi thì cũng phải cố gắng giữ lấy. Đó là cơ hội duy nhất để bắt rùa Hồ Gươm”- chú Huệ lý giải cho hành động dũng cảm của mình.
Là người Phú Thọ, vốn quen nghề sông nước, nên dù đã ở cái tuổi 54 nhưng chú Huệ còn rất sung sức. Bằng chứng là trong các đợt vây bắt rùa, dù là diễn tập hay làm thật, lần nào chú cũng tiên phong cởi trần, lội xuống bơi dọc vòng lưới, hô hào anh em làm việc.
Cùng có được may mắn “ôm” rùa Hồ Gươm như chú Huệ là chú Đỗ Quốc Ngọ, chú Nguyễn Văn Thủy và một số chiến sĩ đặc công của quân khu thủ đô.
Chú Đỗ Quốc Ngọ cho biết, do đã có kinh nghiệm nghề nghiệp, nên việc vây bắt và cho rùa Hồ Gươm vào lưới chiều hôm qua diễn ra rất dễ dàng, tuyệt đối không làm kinh động hay sợ hãi cho rùa.
Theo lời chú Ngọ, chú và các đồng đội đã dũng cảm ôm lấy thân rùa, di chuyển theo hướng bơi của rùa, lái dần rùa vào phía mép lưới, lừa vào túi lưới di động, trước khi chuyển vào lồng sắt B40.
Một chiến sĩ đặc công đuổi theo ôm lấy rùa Hồ Gươm. Ảnh: Lãng Phong |
Nói thì đơn giản nhưng có ngâm mình dưới nước và dốc sức bắt rùa mới thấy sự vất vả, khó nhọc của những người này.
“Thực ra hôm qua còn lạnh hơn đợt vây bắt hôm 8.3. Nhiệt độ không quá thấp nhưng mặt hồ lại nổi gió quá mạnh, cứ thò người lên cao một chút là chân tay lại run lập cập” – chú Huệ cho biết.
Kinh nghiệm, bản lĩnh, sự dẻo dai, dũng cảm của các nhân viên KAT và lực lượng bộ đội đặc công quân khu thủ đô được đền đáp xứng đáng khi đến 17 giờ chiều, rùa Hồ Gươm đã nằm gọn trong bể bơi thông minh trên Tháp Rùa chờ được chữa trị.
Chú Huệ (ở giữa) cùng hai chiến hữu dồn rùa Hồ Gươm vào mép lưới. Ảnh: Lãng Phong |
Hiện tại, các nhân viên của KAT mà dẫn đầu là chú Huệ và chú Ngọ vẫn đang tích cực tìm kiếm tăm rùa thứ hai ở Hồ Gươm.
Chú Huệ (ngồi ở mũi thuyền) đang quan sát tăm rùa trên Hồ Gươm sáng nay, ngày 4.4. Ảnh: Lãng Phong |
“Nhiều khả năng vẫn còn rùa khổng lồ ở Hồ Gươm. Nếu tìm thấy chính xác là tăm rùa, ngay lập tức chúng tôi sẽ bủa lưới vây bắt.” – chú Huệ hào hứng nói.