Điều đáng được chú ý đến không kém là cách thức đánh giá của hai phía về thoả thuận này. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ thì đấy đúng là thoả thuận lịch sử. Chưa khi nào trong lịch sử quan hệ với EU, Thổ Nhĩ Kỳ có lợi thế và nhiều con chủ bài như hiện tại.
Xưa nay chỉ thấy có chuyện Thổ Nhĩ Kỳ cầu cạnh và xin xỏ EU, bị áp đặt điều kiện chứ không được ra giá. Bây giờ, EU trên thực tế đã trở thành con tin của Thổ Nhĩ Kỳ và phải đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Kể cả sau khi ký với EU thoả thuận về vấn đề tỵ nạn, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn ở trong tình thế có thể tạo thuận lợi hay gây khó cho EU. Với thoả thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ buộc EU phải nhượng bộ những gì mà trong nhiều thập kỷ qua EU đã không nhượng bộ cho Thổ Nhĩ Kỳ.
EU phải chấp nhận đáp ứng mọi điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ vì không còn có sự lựa chọn nào khác nếu vẫn cứ muốn đẩy người xin tỵ nạn ra ngoài xa EU, xử lý vấn đề tỵ nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải ở trên lãnh thổ các nước thành viên EU.
So sánh những yêu sách của Thổ Nhĩ Kỳ với thoả thuận vừa rồi giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU thì trên thục tế không có sự thoả hiệp giữa hai bên mà chỉ có chuyện EU chấp nhận những điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ. Tính lịch sử của sự kiện đối với EU chính ở chỗ đó.
Thoả thuận này, hay nói cho đúng hơn là vấn đề tỵ nạn, đã làm thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ. EU đã phải trả giá rất đắt và chưa phải chỉ trả lần vừa rồi là đã hết. Điều này cũng thực sự có ý nghĩa lịch sử.