Kinhtedothi - Thỏa thuận ngày 12/2 tại Minsk chưa phải là giải pháp toàn diện, song đây là bước tiến đưa tất cả các bên thoát khỏi vòng xoáy bạo lực.
Chỉ vài giờ sau khi cuộc đàm phán giữa lãnh đạo 4 nước Nga, Ukraine, Pháp và Đức tại Minsk kết thúc với việc ký kết được một thỏa thuận ngừng bắn kể từ ngày 15/2, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận này. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến thận trọng cho rằng, vẫn cần phải chờ xem các bên liên quan sẽ thực hiện thỏa thuận này như thế nào.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gọi các thỏa thuận đạt được là "sự thở phào đối với châu Âu". Ông Hollande khẳng định tới đây sẽ còn nhiều việc phải làm nhằm thực hiện các thỏa thuận trên. Pháp và Đức sẽ theo dõi các quá trình này.
Tổng thống Pháp cho biết: “Thỏa thuận này không đảm bảo rằng, sẽ có giải pháp dài hạn trong những ngày sắp tới. Thỏa thuận này thúc giục chúng ta tiếp tục thận trọng và theo đuổi các mục tiêu theo sáng kiến của tôi và Thủ tướng Đức Angela Merkel”.
Cùng quan điểm này, Bộ Ngoại giao Đức đánh giá thỏa thuận ngày 12/2 tại Minsk chưa phải là giải pháp toàn diện song đây là bước tiến đưa tất cả các bên thoát khỏi vòng xoáy bạo lực về phía giải pháp chính trị.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjorn Jagland đánh giá, "bộ tứ Normandie" đã làm tất cả để đạt được lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron thận trọng cho rằng: “Tất nhiên cần phải hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn này. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cần phải thực hiện thỏa thuận này bằng hành động, chứ không phải chỉ là vài câu chữ trên giấy”.
Từ Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh, thỏa thuận ngừng bắn cần phải được tôn trọng, đồng thời kêu gọi các bên liên quan ngay lập tức thực hiện thỏa thuận này bằng những bước đi cụ thể.
Sau 16 giờ đàm phán, lãnh đạo 4 nước thể thức Normandie (Ukraine, Nga, Pháp và Đức) đã đi đến được thỏa thuận ngừng bắn kể từ 0h ngày 15/2 (4h ngày 16/2 theo giờ Hà Nội) và rút các vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực xung đột. Ngoài ra, các bên tại Minsk đã đưa ra giải pháp chính trị tổng thể dài hạn cho Ukraine, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là cải cách hiến pháp, tính tới quyền của người dân Donbass. Tiếp theo là vấn đề biên giới có sự thống nhất với lực lượng dân quân Donbass, vấn đề nhân đạo, thực thi luật quy chế đặc biệt cho Donetsk và Lugansk.
Các nhà lãnh đạo cấp cao tham dự hội đàm Minsk. Ảnh: Reuters
|