Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thỏa thuận xây dựng hầm đường bộ tại quận Hoàn Kiếm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa có công văn xin thỏa thuận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phương án thiết kế xây dựng hầm đường bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ (Hoàn Kiếm).

Công văn nêu rõ, UBND TP Hà Nội nhận được văn bản của Sở Giao thông Vận tải về việc thỏa thuận phương án thiết kế điều chỉnh dự án xây dựng hầm đường bộ có kết hợp cho người đi bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ (Hoàn Kiếm). 

Về việc này, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT: Ngày 10/10/2014, Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản thỏa thuận phương án thiết kế hầm đường bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ với quy mô hầm bê tông cốt thép. Chiều dài đoạn hầm kín 23,7m, chiều dài đoạn hầm hở 32,94m. Đáy hầm ở cao trình dương 11,5m. Tuy nhiên để khớp nối với các tuyến đường trong khu vực phù hợp với tổ chức giao thông, thuận tiện cho quản lý, vận hành, phương án thiết kế của dự án có sự thay đổi.
Khu vực dự kiến làm đường hầm (khoanh tròn).
Khu vực dự kiến làm đường hầm (khoanh tròn).
UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thỏa thuận phương án thiết kế điều chỉnh của hầm đường bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ với các thông số kỹ thuật chủ yếu: Hầm bê tông cốt thép, chiều dài đoạn hầm kín 15,7m; đáy hầm ở cao trình dương 11,82m, đỉnh hầm sau khi hoàn thiện dương 15,59m; mở rộng cửa phai hai bên hầm chui để bố trí nhánh ra vào phố Chương Dương Độ bảo đảm hợp lý và an toàn giao thông; đồng thời hạ ngầm tuyến điện 110kV.

Việc xây dựng hầm đường bộ có kết hợp cho người đi bộ nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ nhằm tăng cường khả năng khai thác các tuyến đường, khai thác hiệu quả quỹ đất dôi dư hiện có của phường Chương Dương và Phúc Tân.

Đồng thời, loại bỏ giao cắt giữa người đi bộ, các dòng phương tiện lưu thông trên đường, giữa khu vực trung tâm và ngoài đê hữu Hồng, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông và phát huy hiệu quả phân luồng giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người đi bộ và các phương tiện. Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng công trình này khoảng 90 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.