Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thỏa ước lao động tập thể tăng cả về lượng và chất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác thỏa ước LĐ tập thể của các địa phương trong năm qua đã có nhiều chuyển biến tốt.

Tại Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) khóa XI diễn ra ngày 25-26/12, lãnh đạo TLĐLĐ cho biết, tính đến thời điểm này, tại 43 tỉnh, thành phố, công đoàn (CĐ) ngành T.Ư, CĐ tổng công ty trực thuộc TLĐLĐ đã có 70,4% đơn vị, doanh nghiệp (DN) ký kết được thỏa ước LĐ tập thể, với 23.315 bản thỏa ước được ký kết và còn hiệu lực.

Trong số này, khu vực DN nhà nước đạt 97,37%, khu vực FDI đạt 59,23% và khu vực ngoài nhà nước đạt 70,54%.

Thông qua tập hợp thông tin từ LĐLĐ các tỉnh, thành phố, CĐ ngành T.Ư, CĐ tổng công ty cho thấy, các bản thỏa ước LĐ tập thể đã có nhiều nội dung cao hơn pháp luật có lợi cho người LĐ như: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo đảm việc làm, mức lương cơ bản, chế độ nâng bậc lương, lương tháng thứ 13, tiền thưởng, cải thiện điều kiện làm việc, một số chế độ với lao động nữ, ăn ca, tổ chức tham quan nghỉ mát, thăm hỏi khi ốm...

Trong năm 2014, TLĐLĐ đã chỉ đạo CĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam ký kết thỏa ước LĐ tập thể lần 3, thời hạn 3 năm với nhiều nội dung có lợi cho tập thể LĐ, như: Lương tối thiểu DN áp dụng cao hơn lương tối thiểu vùng, mức chi cho bữa ăn ca tăng lên 8-10% so với bản thỏa ước lần 2… Đồng thời, TLĐLĐ cũng chỉ đạo CĐ cao su Việt Nam ký kết thỏa ước LĐ tập thể ngành cao su.

Bên cạnh đó, hiện TLĐLĐ đang chỉ đạo CĐ đường sắt Việt Nam chuẩn bị ký kết thỏa ước LĐ tập thể ngành đường sắt (dự kiến hoàn thành trong năm 2015), chỉ đạo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai thực hiện thí điểm thương lượng và ký kết thỏa ước LĐ tập thể nhóm DN điện-điện tử tại Khu CN Biên Hòa, chỉ đạo LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh tiến hành ký kết thỏa ước LĐ tập thể ngành dệt may TP. Hồ Chí Minh.

Phó chủ tịch LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính đánh giá: Công tác thỏa ước LĐ tập thể của các địa phương trong năm qua đã có nhiều chuyển biến tốt, nhất là trong nhận thức của đội ngũ cán bộ CĐ và của chính người sử dụng LĐ. Số lượng và chất lượng của các bản thỏa ước LĐ tập thể ngày càng được cải thiện. Trong đó, số bản thỏa ước LĐ tập thể sao chép các quy định của pháp luật đang dần được thay thế bằng các bản thỏa ước có chất lượng hơn, có nhiều điều khoản có lợi hơn cho người LĐ và đang dần đảm bảo đúng quy định của pháp luật LĐ. Đồng thời, vai trò của tổ chức CĐ ngày càng được phát huy mạnh mẽ hơn, đặc biệt là vai trò của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc hỗ trơ, hướng dẫn, giúp đỡ và tham gia ngày càng có chiều sâu vào quá trình thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước LĐ tập thể tại các CĐ cơ sở.