Thoát gói cứu trợ quốc tế, Hy Lạp sẽ đứng vững bằng đôi chân của mình?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 10 năm thắt lưng buộc bụng, Hy Lạp đã chính thức thoát khỏi sự kiểm soát tài chính sau khi hoàn tất gói cứu trợ tài chính thứ 3 và cũng là gói cứu trợ cuối cùng hôm 20/8.

Ngày thứ Hai (20/8) được xem là một ngày có ý nghĩa lịch sử đối với Hy Lạp, bởi quãng thời gian gần 1 thập kỷ nước này phải dựa vào sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài đã chính thức khép lại.
Cột mốc này được thiết lập khi Chính phủ Hy Lạp hoàn tất thành công các yêu cầu mà chủ nợ đưa ra cho gói giải cứu thứ 3 trị giá 62,9 tỷ euro. Đây chính là gói cứu trợ cuối cùng mà Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) cung cấp cho Hy Lạp để giúp nước này ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ công.
Từ năm 2010, Hy Lạp rơi vào khủng hoảng tài chính công nghiêm trọng, đẩy quốc gia này tới bờ vực phá sản cũng như đe dọa vị trí thành viên của Athens trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
 Hy Lạp thoát khỏi gói cứu trợ quốc tế, song sức ép vẫn nặng nề. Ảnh: Reuters
Nhằm giúp Athens thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ này, Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cung cấp khoản vay tổng cộng 289 tỷ euro cho Hy Lạp, vốn bị nợ nần bủa vây này trong 3 chương trình liên tiếp vào năm 2010, 2012 và 2015. 
Để đổi lấy các gói cứu trợ, các đời chính phủ Hy Lạp đã phải cam kết thực thi các chính sách thắt lưng buộc bụng vô cùng khắc khổ, đồng thời thực hiện những cải cách khắc nghiệt trong các lĩnh vực lao động, hưu trí và an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Athens cũng bị đặt dưới sự giám sát tài chính chặt chẽ từ các chủ nợ. Trong 8 năm bị giám sát, Hy Lạp không được phép tham gia vào các thị trường trái phiếu và nhiều chính sách kinh tế phải chịu sự can thiệp từ các chủ nợ.
Ông Mario Centeno, Chủ tịch Ủy ban điều hành ESM, cho biết Hy Lạp đã thành công khi thoát khỏi gói cứu trợ thứ 3, được kích hoạt tháng 8/2015, và đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2010, Hy Lạp có thể tự đứng bằng chính đôi chân của mình.
 Hy Lạp đã thành công khi thoát khỏi gói cứu trợ thứ ba, được kích hoạt tháng 8/2015. Ảnh: AFP 
Theo Chủ tịch Ủy ban điều hành ESM, Athens đạt được kết quả thành công này là nhờ những nỗ lực phi thường của người dân Hy Lạp cũng như sự hợp tác hiệu quả của chính phủ với sự hỗ trợ của các đối tác châu Âu thông qua các khoản vay và giảm nợ.
Nhà lãnh đạo Ủy ban điều hành ESM lý giải thêm rằng cải cách kinh tế theo yêu cầu của ba chủ nợ, gồm EU, ECB và IMF, đã đưa tình trạng nợ công và thất nghiệp của Hy Lạp từ mức cao nhất trong lịch sử xuống mức an toàn. 
Theo báo cáo mới nhất, trong vòng 8 năm, 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp đã "bốc hơi", song từ năm ngoái, GDP của nước này tăng trở lại, thoát khỏi khủng hoảng nợ công. Nền kinh tế Athen đã chuyển sang thặng dư ngân sách vững chắc và tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống còn dưới 20% vào đầu tháng này. 
Tuy nhiên, Ủy viên EU phụ trách kinh tế Pierre Moscovici cũng cảnh báo việc kết thúc chương trình cứu trợ không có nghĩa là Hy Lạp có thể chấm dứt các biện pháp cải cách khắc khổ, đồng thời cho rằng tình hình thực tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Chính Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras cũng thừa nhận nước này vẫn còn một chặng đường dài phải vượt qua, nếu chỉ đi chệch hướng là tất cả công sức có thể "đổ xuống sông xuống biển".

Như lời Chủ tịch Cơ chế Bình ổn châu Âu Mario Centeno, Hy Lạp đã có thể lần đầu tiên đứng trên chân mình kể từ đầu năm 2010.

Còn Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho rằng, vấn đề giờ đây là phát triển kết quả này bằng cách duy trì các chính sách tài khóa và kinh tế phù hợp.
Hiện tại, tuy đã chính thức thoát khỏi tình trạng bị giám sát tài chính nhưng Hy Lạp sẽ vẫn phải cam kết thực thi các chính sách tài khoá nghiêm ngặt. Chính phủ nước này cũng cam kết sẽ bảo đảm mức thặng dư ngân sách sơ cấp ở mức 3,5% GDP từ nay đến năm 2022 và ở mức 2,2% GDP đến năm 2060.
Tại châu Âu, Hy Lạp cũng là nền kinh tế cuối cùng ra khỏi cảnh bị giám sát tài chính trong cuộc khủng hoảng nợ công, sau Ireland năm 2013, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha năm 2014 và đảo Síp năm 2016.