Nhiều điểm sáng từ vốn vay ưu đãiỞ Mỹ Đức có gia đình anh Lê Ngọc Luyến, Bí thư Chi đoàn thôn Lai Tạo được đánh giá là hộ sử dụng vốn vay GQVL đạt hiệu quả. Chỉ từ vốn vay 50 triệu đồng, anh đầu tư sản xuất trồng 3 sào bưởi Diễn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Sản phẩm tiêu thụ mạnh, có nguồn thu nhập, anh mạnh dạn đầu tư thêm vào xưởng hàn sắt khung nhôm kính. Không chỉ trả hết vốn và lãi cho ngân hàng mà kinh tế gia đình anh khấm khá lên nhiều so với trước.
Cũng qua chương trình GQVL, gia đình anh Nguyễn Văn Hoạt, Đội 8, thôn Thượng, Phùng Xá (Mỹ Đức) được giải ngân 300 triệu đồng (năm 2015) đầu tư vào mua máy dệt công nghiệp phục vụ cho việc sản xuất khăn mặt, tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên trong xã với mức lương từ 3 đến 8 triệu đồng/tháng. Tại công ty cổ phần may Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức), nhờ nguồn vốn GQVL, 400 lao động thường xuyên có việc làm ổn định với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
|
Vốn GQVL giúp cho người lao động tại công ty cổ phần may Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức) thường xuyên có việc làm ổn định. |
Ở xã Phùng Xá (Mỹ Đức), có hơn 100 hộ gia đình vay vốn phát triển kinh tế từ chương trình cho vay giải quyết việc làm với tổng cộng hơn 4 tỷ đồng, GQVL cho hàng nghìn lao động, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống. Hay như tại Thanh Oai, tính đến tháng 8/2016, Liên đoàn Lao động huyện Thanh Oai đã triển khai cho vay vốn từ GQVL được 11 dự án phát triển kinh tế gia đình, góp phần giải quyết việc làm cho 92 hộ gia đình với 102 lao động. Qua khảo sát, thu nhập của lao động được vay vốn đạt mức trung bình từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng…
Cần thêm vốn để giải quyết việc làmHiệu quả từ chương trình cho vay GQVL được thực tế chứng minh, đồng thời được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn cón đó những trăn trở của nhà quản lý nguồn vốn.
Ông Lê Ngọc Thực – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Bột Xuyên (Mỹ Đức) cho biết: “Lãi suất của NHCSXH ưu đãi và ổn định hơn các ngân hàng thương mại khác nên từ khi triển khai chương trình cho vay GQVL luôn nhận được sự hưởng ứng của các hộ dân khu vực nông thôn. Chính vì thế,đa số hộ gia đình mong muốn Chính phủ nâng mức cho vay để có thể mở rộng quy mô sản xuất, tạo nhiều việc làm cho người nông dân".
Quyết định 71/QĐ-TTg 2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, quy định rõ: Mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh được vay tối đa 500 triệu đồng/dự án và 20 triệu đồng/hộ. Thế nhưng trên thực tế, đến thời điểm này, số cơ sở được vay 500 triệu đồng chiếm tỷ lệ rất thấp. Phổ biến là mức vay vài chục triệu đồng, đối tượng là các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Phung, Giám đốc NHCSXH Hà Nội cho biết, mặc dù nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm rất lớn và đặc biệt, mức vay đã được nâng lên nhưng việc cân đối nguồn vốn để bổ sung cho vay GQVL hiện nay còn rất hạn chế. Trong điều kiện nguồn vốn vay GQVL T.Ư còn hạn chế, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách TP đã bổ sung vốn tín dụng ưu đãi để triển khai cho vay GQVL.
Ngoài việc ngân sách bổ sung kế hoạch vốn cho vay theo quy định, để thực hiện cân đối một phần nguồn vốn từ kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao để cho vay GQVL giải pháp chủ yếu vẫn là tích cực thu hồi nợ đến hạn của chương trình để thực hiện cho vay quay vòng là chính. Trong đó tập trung thu hồi nợ đến hạn để tạo lập nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng theo quy định của chương trình.
Thống kê của NHCSXH Hà Nội, tính đến hết tháng 8/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng tại đơn vị đạt trên 5.400 tỷ đồng với trên 295.000 khách hàng đang vay vốn, đạt 99,8% kế hoạch được giao năm 2016. Trong tổng số 13 chương trình tín dụng chính sách đến nay có 16 ngàn lượt khách hàng vay vốn GQVL, góp phần thu hút trên 18.000 lao động... Song con số đó so với nhu cầu thực tế còn quá khiêm tốn, vì vậy việc tăng nguồn vốn cho vay GQVL đang là nhu cầu cấp thiết.