Là một người viết tương đối thành danh trong nghề, chị nhìn nhận thế nào về văn học trẻ hiện nay?
- Bây giờ là thời của văn học tương tác, người viết buộc phải tương tác với người đọc. Tác phẩm cũng phải là tác phẩm tương tác - độc giả có thể gần gũi và theo dõi quá trình sáng tạo, thậm chí can thiệp vào quá trình xuất bản. Khi tôi đăng lên facebook, độc giả bình luận, họ sửa cho tôi từng dấu chấm dấu phẩy, họ chọn danh sách những bài họ thích rồi yêu cầu xuất bản theo cách biên tập đó, rồi chọn tên sách, còn góp ý “bìa này xấu, chị đổi bìa khác, nếu không thì để em vẽ bìa cho”. Có người còn viết lời đề tặng, tự chỉnh sửa bản thảo của tôi theo hướng độc giả muốn. Nhiều khi mình chưa ra sách thì độc giả đã đặt hàng cuốn mới hộ rồi. Điều đó nghĩa là luôn có khoảng không gian để độc giả xuất hiện cho đến lúc sách ra mắt. Cuốn sách không chỉ là ý chí của một mình tôi hay của nhà xuất bản nữa mà còn là ý chí của độc giả. Đó cũng là động lực để tôi sáng tạo. Việc hàng ngày, những bài bình sách mới vẫn ra, việc người đọc vẫn đi mua sách, lại có thể bình xét nó trong những group văn học, các trang fanpage chính là sức ép quan trọng nhất đối với người viết để tạo ra một không khí văn chương tương tác, cởi mở, trẻ và thậm chí là luôn luôn đổi mới.
Môi trường văn học thay đổi, tâm thế người đọc đã khác, tâm thế người viết cũng thay đổi. Ba điều khác biệt đó có thể thấy rõ trong những hội chợ sách gần đây. Những cây bút già dần dần nhường sân khấu trong ngày hội sách cho những cây bút trẻ chỉ đơn giản đây không phải cách họ sống và viết. Đó không phải là chúng ta hạ bệ những giá trị truyền thống, chỉ là chúng ta đã luôn luôn khao khát tìm kiếm cách để làm mới mẻ hơn môi trường văn chương của mình. Nếu như chưa mới được về nội dung thì cũng có thể mới được về hình thức, nếu chưa mới về giải thưởng thì cũng có thể mới mẻ hơn về cách tiếp cận với độc giả. Và như vậy, một nhà văn có rất nhiều điểm chạm với bạn đọc, từ lúc họ bắt đầu sáng tạo.
Môi trường tương tác như vậy có dẫn đến xu hướng đọc theo phong trào?
- Tôi nghĩ rằng độc giả sẽ bị ảnh hưởng. Đó là điều bình thường, bởi độc giả vẫn thường đọc theo PR hay đọc những cuốn sách mà các nhà phê bình có tên tuổi giới thiệu. Còn bây giờ, họ đọc theo cách khác - trên mạng, trên facebook có lời bình rằng sách ai đó hay là có thể đổ xô đi mua. Ví dụ như trên “Tony buổi sáng” có một lời bình là “Nhà giả kim” hay lắm. Hôm sau, có khoảng 1.000 người đi mua “Nhà giả kim”. Nhưng mà điều đó chẳng sao bởi độc giả cũng cần có người dẫn đường.
Chị nghĩ sao về việc một số cây bút trẻ viết dựa theo sự hiếu kỳ của độc giả dù thiếu kiến thức về mảng đó?
- Trong văn học, người viết có thể tưởng tượng nhưng nếu như cảm xúc, kiến thức, điểm chạm của họ cũng như những người khác thì khó nói rằng trí tưởng tượng có thể bù đắp nốt những phần còn lại. Việc đó cũng giống như một người chưa yêu ai bao giờ mà viết một thứ lâm li bi đát về chuyện có chồng với những cơn ghen lồng lộn và những trận đánh ghen. Nghĩa là mọi thứ viết ra chỉ là tưởng tượng vu vơ. Khi có trải nghiệm, bạn sẽ có cách viết khác. Có những nhà văn cố gắng trưởng thành sớm bằng các tác phẩm, cũng có những nhà văn phải trải qua cuộc đời mới trưởng thành được.
Chị có niềm tin vào văn học trẻ?
- Tôi nghĩ việc không công nhận giá trị của những người trẻ chỉ là yếu tố tâm lý, không có nghĩa tác phẩm đó giá trị hay không. Một người viết chỉ có một nhóm đối tượng độc giả nhất định, giống như cái đèn pin vậy, chỉ tỏa sáng trong vùng bạn hướng tới. Bạn đừng nghĩ bạn là mặt trời và mọi người đều thấy bạn tỏa sáng. Sẽ có những người ở trong bóng tối, bị chói mắt khi bị chiếu sáng, thậm chí có người không ở trong luồng sáng sẽ cho bạn là hạn hẹp và không có giá trị. Văn chương cũng giống như vậy!
Xin cảm ơn chị!