Lạm phát tại Eurozone hiện ở mức -0,3% và được dự báo sẽ nhích lên 0% trong năm nay nhờ tác động của gói QE trị giá 60 tỷ Euro/tháng. Trong một dự báo lạc quan, lạm phát tại Eurozone sẽ đạt 1,8% vào năm 2017 và hướng đến mục tiêu 2% vào tháng 9/2016 khi ECB chấm dứt chương trình in tiền. Mặc dù lạc quan về triển vọng tăng trưởng của khu vực Eurozone với các số liệu kinh tế cơ bản từ đầu năm đến nay có sự cải thiện rõ rệt nhưng không ít chuyên gia đã bày tỏ sự lo ngại, chương trình bơm tiền của ECB khó có thể đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ngay cả khi Chủ tịch ECB Mario Draghi cam kết, định chế này sẽ chỉ đạo rõ ràng, thận trọng việc mua trái phiếu với lợi suất thấp hơn tỷ lệ lãi suất huy động -0,2% nhưng các nhà đầu tư nghi ngờ rằng, việc ECB mua trái phiếu với lợi suất âm có thể sẽ làm “méo mó” thị trường. Đó là chưa kể, ECB chưa chắc đã “săn” đủ lượng trái phiếu trị giá 60 tỷ Euro trong một tháng khi thị trường đang dư thừa tiền mặt, khan hiếm trái phiếu tốt. Chính yêu cầu các ngân hàng phải giữ một lượng trái phiếu chính phủ nhất định làm tài sản đảm bảo của ECB lại đang “làm khó” ECB.
Tất nhiên, các chính sách tiền tệ quyết liệt trong thời gian gần đây cùng với việc giá dầu sụt giảm đã và đang đem lại hy vọng cho khu vực nhưng QE chưa chắc đã là “liều thuốc” hiệu nghiệm để EU kích thích đà tăng trưởng trì trệ, nhất là khi “căn bệnh” nợ công của Hy Lạp vẫn chưa được chữa trị dứt điểm. Ngay cả khi nhận được khoản cứu trợ mở rộng trị giá 240 tỷ Euro trong 4 tháng tới thì với tổng số nợ hiện đã lên tới 320 tỷ Euro, tương đương 175% GDP, Athens vẫn cần thêm tiền để đáo hạn các khoản nợ cũ. Các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ được dự báo là sẽ diễn ra mỗi ngày nhằm giúp Athens thoát cảnh vỡ nợ sẽ đẩy thị trường tài chính, trái phiếu của châu Âu trước nguy cơ bấp bênh theo kết quả của từng cuộc mặc cả.
Khi Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone bước vào vòng thảo luận then chốt về chương trình giải cứu Hy Lạp hôm nay (10/3), các chuyên gia nhận định, đã đến lúc Athens phải nhận thức được rằng, cần phải gạt bỏ 2 từ “đối đầu” bởi người Đức đã không còn kiên nhẫn trước tình cảnh hiện nay. Sau khi ECB “qua mặt” Berlin để triển khai chương trình in tiền – điều mà người Đức luôn phản đối gay gắt, Thủ tướng Angela Merkel lại đối mặt với cuộc đấu tranh của Athens. Tất nhiên, ý định chống lại chương trình thắt lưng buộc bụng của chính phủ Hy Lạp đã bị đình trệ nhưng không ai dám chắc, làn sóng này không quay lại và đe dọa sự ổn định của EU khi tâm trạng chán ngán chính sách khắc khổ đang bao trùm Pháp, Italia – 2 nền kinh tế lớn của Eurozone.
Trước nguy cơ mất vị thế lãnh đạo Eurozone, giới quan sát cho rằng, đã đến lúc người Đức phải nhận thức được rằng, dùng “thuốc quá liều” có thể khiến “bệnh nhân” bị nguy kịch. Trong thời điểm mang tính quyết định này, nếu Đức và các quốc gia thành viên không tìm ra được phương án tái cơ cấu hợp lý, hiệu quả, tương lai của Eurozone chưa biết sẽ đi về đâu.
Ảnh minh họa.
|