Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thời khắc khó quên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua câu chuyện của ông Đặng Quang Ngọc (nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin, Ban...

Kinhtedothi - Qua câu chuyện của ông Đặng Quang Ngọc (nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin, Ban Tuyên giáo T.Ư), một trong những thanh niên Hà Nội tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu cách đây 40 năm, tinh thần của “hậu phương lớn” Hà Nội như càng rõ ràng hơn, góp phần làm nên chiến thắng của cả dân tộc.

Nhớ về những ngày tháng hào hùng ấy, ông kể: Cả Hà Nội như rực lửa, được nhập ngũ trở thành nguyện vọng thiết tha của mỗi thanh niên Thủ đô cũng như mọi miền đất nước lúc bấy giờ. Tháng 4/1965, Hà Nội bắt đầu có một đợt gọi nhập ngũ với 2 đối tượng, thứ nhất là các cựu binh – những người đã được huấn luyện chuyên nghiệp, thứ hai là những thanh niên ưu tú của các cơ quan, xí nghiệp, trường học, công trường.
Đồng bào tiễn các thanh niên Ba sẵn sàng vào Nam chiến đấu. (ảnh tư liệu)
Đồng bào tiễn các thanh niên Ba sẵn sàng vào Nam chiến đấu. (ảnh tư liệu)
Ông vẫn không quên ngày tiễn các thanh niên Hà Nội lên đường vào Nam chiến đấu tại Nhà hát Nhân dân (Cung Văn hóa Hữu nghị ngày nay), không khí sôi động khi hàng ngàn đồng bào cùng một loạt khẩu hiệu, biểu ngữ, trong đó nổi bật nhất là phong trào Ba sẵn sàng “Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ và sẵn sàng đi bất cứ nơi nào khi Tổ quốc cần”. Sau lời phát biểu, động viên của nguyên Bí thư Thành đoàn Vũ Hữu Loan, mỗi cá nhân trong từng đơn vị được nhận 2 chiếc bánh mỳ và cứ thế thành đội hình đi bộ từ Nhà hát Nhân dân đến Ga Hàng cỏ (Ga Hà Nội ngày nay) lên tàu tiến về Thái Nguyên huấn luyện. Qua 3 tháng huấn luyện, cả đoàn quân bắt đầu hành trình vào Nam chiến đấu. Lúc đi ngang qua Cửa Nam (Hà Nội), hai bên đường đồng bào đứng chật kín, nhiều thanh niên đã viết vội những lá thư ngắn gửi cho gia đình. Ông cũng chỉ kịp viết tên cùng địa chỉ nhà ném xuống với mong muốn báo tin mình lên đường bình an cho người thân.

Ông Ngọc bồi hồi kể lại: Thanh niên Hà Nội ngày ấy trên lưng mang vác tới 34kg vũ khí, nhưng vẫn có cuốn sách “Thép đã tôi thế đấy” của Nhicalai Axtơrốpxki – tiểu thuyết được coi là cuốn sách gối đầu giường của mỗi thanh niên thời kỳ ấy. Một tháng hành quân trên đất Bắc, bắt đầu vào đến Quảng Bình, mở đầu con đường lên Trường Sơn, các chiến sĩ bắt đầu phải tự mắc võng, nấu ăn. “Trường Sơn đâu chỉ là “xe đi bụi hồng” như trong thơ ca mà đầy khó khăn và hy sinh mất mát. Mỗi tiểu đoàn khi đó chỉ được cấp 5 con dao dùng để chặt măng, sắn, khoai… ăn chống đói. Trong khoảng thời gian 2 tháng 11 ngày, địch bắt đầu đánh phá ác liệt ở Trường Sơn, có đoạn chúng cho biệt kích chặn đường, quân ta hy sinh rất nhiều” - ông Ngọc chia sẻ. Khó khăn là thế, nhưng tất cả những thanh niên Hà Nội thời đó lớn lên, trưởng thành, đều được sự giáo dục sâu sắc của nhà trường, các đoàn thể về truyền thống và lịch sử của cuộc chiến tranh kháng chiến chống Pháp, sự hy sinh của những Anh hùng La Văn Cầu, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót… đã thấm vào máu thịt, tạo cho thanh niên một lý tưởng khát khao phải làm được điều gì đó để báo đáp công ơn của những thế hệ đi trước.

Nhớ về những ngày tháng 4 của 40 năm về trước, giọng ông Ngọc xúc động: “Đúng chiều 30/4, khi địch đầu hàng, tôi cùng 3 đồng chí có mặt ở Tổng nha cảnh sát của Ngụy trên đường Trần Hưng Đạo. Bốn anh em ôm nhau khóc, một phần vì không ngờ vẫn còn sống để chứng kiến giờ phút thiêng liêng này, một phần vì đội hình đi hơn 600 người bây giờ chỉ còn lại rất ít”. Ông cũng cho biết: Tôi cùng những đồng đội được trở về năm nào vẫn thường họp mặt vào đúng ngày ra đi và luôn dành phút đầu tiên mặc niệm tưởng nhớ những con người không bao giờ trở về nữa. Trong cả quãng đời tuổi trẻ với hơn 10 năm đầy biến động, đất nước đã trải qua nhiều đổi thay và ông đã có mặt ở những nơi sóng gió, đã vượt lên bao thử thách, kể cả cái chết, với một nghị lực mạnh mẽ, một tâm hồn trong sáng và như ông chia sẻ, số phận đã cho ông một ân huệ lớn là có ngày trở về. Trở về cuộc sống bình thường của một công dân Thủ đô, nhưng ông Ngọc không dễ quên đi quá khứ: Một thời hào hùng oanh liệt của một thế hệ thanh niên Hà Nội sẵn sàng giữ vững và phát huy truyền thống của cha anh “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.