Thầy cô vi phạm đạo đức chỉ là số ít
Vấn đề vi phạm đạo đức trong nhà trường, đặc biệt là lo ngại về sự suy thoái đạo đức người thầy trong xã hội hiện đại được "xoáy" đến nhiều nhất trong buổi giao lưu trực tuyến. PGS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội không khỏi lo ngại về suy thoái đạo đức trong xã hội hiện đại, trong đó có đạo đức người thầy là có cơ sở. "Phải nói, trách nhiệm đầu tiên thuộc về người thầy, nhưng có cả trách nhiệm của xã hội. Đạo đức người thầy cũng như đạo đức người làm nghề dựa trên nền tảng đạo đức chung của xã hội. Nó chịu sự ảnh hưởng nhiều yếu tố (gia đình, xã hội...). Tôi nghĩ, những vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người thầy chỉ là thiểu số, cá nhân, nhưng ảnh hưởng đến uy tín của ngành, trở thành mối lo của xã hội. Bên cạnh cá nhân vi phạm, đa số người thầy đều làm tốt nhiệm vụ của mình và có đóng góp lớn cho nền giáo dục nước nhà. Bên cạnh đó, xã hội cũng đặt gánh nặng cho vai trò người thầy đối với sự phát triển xã hội, đất nước, điều này đòi hỏi người thầy cần phải nỗ lực, cố gắng hơn" - thầy Tú lý giải.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Kim Anh - giáo viên trường THPT Phan Huy Chú cho rằng, suy thoái đạo đức chỉ là hiện tượng, không phải là bản chất. Ở đâu đó có chuyện người làm thầy chưa xứng vị trí đều cần có sự điều chỉnh của lãnh đạo cơ sở giáo dục và của đồng nghiệp. "Tôi tin là khi đã chọn bục giảng làm sự nghiệp của đời mình, thì người làm thầy dù không ở trên lớp cũng luôn có bục giảng vô hình dưới chân để không cư xử buông tuồng, dễ dãi" - cô Kim Anh bày tỏ.
Cũng khẳng định việc các thầy, cô giáo lệch lạc về vấn đề đạo đức chỉ là số ít, song PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, còn lo lắng một thực tế: Số thầy, cô giáo say nghề, yêu nghề, yêu trẻ bị giảm sút. "Tỷ lệ điều tra gần đây cho thấy, gần 50% thầy cô được hỏi cho rằng nếu được chọn lại nghề họ sẽ không chọn nghề sư phạm. Nguyên nhân có thể có nhiều: Học trò hư, khó dạy, người thầy không được tôn vinh như trước; lương thấp không đủ sống... Tôi cho rằng, trong việc làm thầy, căn bản nhất vẫn là yêu ngành, yêu nghề. Cho nên chúng ta cần phấn đấu để có lực lượng giáo viên yêu nghề, yêu trẻ"- thầy Cương khẳng định.
Dạy thêm không xuất phát từ lương
Trong các câu hỏi đặt ra cho các chuyên gia giáo dục, đa số người quan tâm đều cho rằng, những chuyện kiểu như "gợi ý" quà cáp dịp lễ, Tết, cho điểm theo cảm tính… đặc biệt là chuyện dạy thêm cũng không nằm ngoài phạm trù đạo đức nhà giáo. Song theo cách nhìn của PGS Văn Như Cương, trong tình hình hiện nay không có cách gì chống được dạy thêm học thêm. Bởi thực tế là khi cấm tổ chức dạy thêm, thì các gia đình lại mời gia sư về dạy. Rõ ràng các biện pháp kiểu hành chính ấy sẽ không khắc phục được dạy thêm học thêm. Thầy Cương cho rằng: "Chúng ta cần giải quyết những vấn đề cơ bản trong công cuộc đổi mới này là học nhẹ hơn, thay đổi cách đánh giá và thi cử, lương của giáo viên tốt hơn".
TS Nguyễn Tùng Lâm cũng thừa nhận chống dạy thêm là việc khó, khi xã hội vẫn có nhu cầu thì không thể ngăn được. Theo ông, dạy thêm không phải xuất phát từ lương, lương có tăng lên, nhưng xã hội không quản lý tốt vẫn không thể ngăn chặn được. "Tôi cho rằng phụ huynh, học sinh và ông thầy, cả ba đối tượng này phải cùng vào cuộc để chống dạy thêm" - TS Lâm khẳng định.
Không phủ nhận những hiện tượng suy thoái đạo đức hiện tại, song các chuyên gia giáo dục vẫn giữ quan điểm: Thời nào cũng cần "Tôn sư trọng đạo", đã làm thầy thì cần được tôn trọng và người thầy cũng phải không ngừng cố gắng để luôn xứng với sự tôn trọng của xã hội, của học trò và phụ huynh. Như một lẽ tự nhiên cuộc sống không ngừng thay đổi, do đó người làm thầy cũng cần thay đổi cho hợp với thời cuộc. Vấn đề đặt ra là người thầy cần năng động, song vẫn mẫu mực, vừa hiện đại nhưng vẫn giữ truyền thống.
Buổi giao lưu trực tuyến tại báo Kinh tế & Đô thị, sáng 16/11. Ảnh: Thanh Hải
|