Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người lớn cần giữ gìn vệ sinh, cho trẻ ăn uống đảm bảo đủ dinh dưỡng; khi trẻ bị bệnh, không nên tự điều trị.
Đa số mắc bệnh hô hấp
Mấy ngày nay, bé Diệu Linh, 3 tuổi (khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy) bị hắt hơi, sổ mũi, sốt, sau khi được khám tại phòng khám tư và uống thuốc không khỏi, gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư thì bé đã bị viêm phổi, phải nhập viện. Nằm cùng phòng với Diệu Linh là 3 bé khác cũng bị viêm tiểu phế quản, phổi. Tại Khoa Khám tự nguyện cũng như các Khoa Tự nguyện A, B, Viện Nhi T.Ư đều kín như nêm trẻ đến khám và điều trị. Thời điểm này, mỗi ngày có trên 2.000 trẻ đến khám, 60% bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen phế quản… Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Thủy - Khoa Khám bệnh, nhiều trẻ trước khi đến khám, gia đình đã tự điều trị nhưng không khỏi, khi đến khám đã viêm phổi, suy hô hấp, phải thở oxy, buộc phải nhập viện điều trị. Đối với những trường hợp nhẹ, trẻ không cần thiết phải ở lại viện, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc, hướng dẫn cha mẹ cách theo dõi, điều trị tại nhà.
Tương tự, tại Khoa Nhi, BV Đa khoa Hà Đông, thời điểm này cũng ghi nhận nhiều trẻ bị bệnh viêm phế quản, viêm phổi đến khám và điều trị. Tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai, tất cả giường đều thường xuyên kín chỗ. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Nhi cho biết, năm nào cũng vậy, cứ khi thời tiết từ lạnh chuyển nóng, nồm khiến tiết trời ẩm ướt, nhất là mưa phùn, độ ẩm cao là thời điểm trẻ bị các bệnh hô hấp, hen phế quản phải nhập viện điều trị khá cao. Nguyên nhân là do nấm mốc, virus trong môi trường gây nên. Đặc biệt với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen trong thời tiết này do tác động của không khí ẩm, rồi thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà khiến cơn hen bùng phát. Tại Khoa Nhi, số trẻ nhập viện vì viêm phổi, viêm tiểu phế quản chiếm đa số. Ngoài ra, cũng ghi nhận nhiều trường hợp trẻ lên cơn hen khó thở, khò khè, tuy nhiên sau cấp cứu, trẻ được về nhà, hướng dẫn dùng thuốc dự phòng hen.
Không dùng kháng sinh tùy tiện
Ông Dũng khuyến cáo, phụ huynh có thể vệ sinh tai, mũi cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý Nacl 0,9%. Chăn, ga, gối của trẻ cần thường xuyên thay giặt, phơi ở nơi thoáng gió, có ánh sáng tự nhiên hoặc phải được sấy khô. Đặc biệt khăn mặt, khăn tắm, quần áo, tã lót phải được giặt sạch, phơi khô và nên sấy trước khi sử dụng nhằm loại bỏ những dị nguyên gây bệnh. “Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm trước những thay đổi của thời tiết, rất dễ nhiễm bệnh. Một trong những sai lầm phổ biến của các bậc cha mẹ là tự ý cho trẻ dùng thuốc khi thấy bé ho, sốt, khó thở… dù chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc dùng kháng sinh tùy tiện rất dễ gây dị ứng, rối loạn tiêu hóa, tình trạng bệnh diễn biến phức tạp hơn” - ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng, nếu người lớn trong nhà có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi... cần hạn chế tiếp xúc với trẻ và cũng cần chữa trị sớm để không lây sang cho trẻ. Khi trẻ bệnh, nên đưa đến khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán kịp thời và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng vaccine đầy đủ, đúng lịch để tạo hệ miễn dịch cho trẻ. Bên cạnh đó, trẻ cần được uống đủ nước và ăn đồ ăn dễ tiêu hóa, ăn nhiều hoa quả để tăng sức đề kháng, phòng bệnh.
Khám cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Thu Nhi
|