Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thời tiết khắc nghiệt đe dọa mất mùa tại miền Bắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời tiết nắng nóng bất thường, kéo theo nền nhiệt độ trong mùa Đông Xuân 2009-2010 cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 1-2 độ C. Cùng với lượng mưa ít, nước trên các sông ngày càng cạn kiệt đã ảnh hưởng rất lớn tới vụ lúa Đông Xuân tại miền Bắc.

KTĐT - Thời tiết nắng nóng bất thường, kéo theo nền nhiệt độ trong mùa Đông Xuân 2009-2010 cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 1-2 độ C. Cùng với lượng mưa ít, nước trên các sông ngày càng cạn kiệt đã ảnh hưởng rất lớn tới vụ lúa Đông Xuân tại miền Bắc.

Nắng nóng bất thường

Theo  dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của El Nino nên vụ Đông Xuân (ĐX) 2009-2010 sẽ là vụ ĐX ấm, nền nhiệt độ 3 tháng đầu mùa ĐX 2010 (tháng 3, tháng 4, tháng 5) và trong 10 ngày đầu tháng 2-2010 phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 1-2 độ C. Dù vào giữa tháng 2-2010, nền nhiệt độ có giảm, rét đậm rét hại xuất hiện song trong những ngày cuối tháng 2, sang đầu tháng 3, nền nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng trở lại mức cao hơn TBNN, nắng nóng sẽ tiếp tục xuất hiện.

Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm DBKTTV Trung ương nhận định, trong những tháng tiếp theo của nửa cuối vụ ĐX, tức từ cuối tháng 2 đến hết tháng 4, nền nhiệt độ tiếp tục ở mức cao hơn so với TBNN, giá trị nhiệt độ trung bình tháng cao hơn so với TBNN từ 1-2 độ C. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng sớm ngay từ đầu tháng 3.

Trong khi đó, lượng mưa lại thấp hơn mức TBNN, tổng lượng mưa hụt so với TBNN từ 20-50%, khiến mực nước trên các sông, hồ đều đang bước vào cao điểm của khô hạn. Đặc biệt, mực nước sông Hồng trong những ngày qua đã xuống mức 0,1m, tương đương mực nước biển. Trong vài tháng tới, mực nước sông Hồng hoàn toàn phụ thuộc vào việc xả nước của các hồ thủy điện, bởi, mùa mưa ở miền Bắc chưa đến.

Nắng nóng như giữa hè vào những ngày đầu tháng 2, quan trắc cho thấy, có những ngày nhiệt độ cao nhất đã lên trên 30 độ C. Nắng nóng kỷ lục giữa mùa Đông Xuân đã làm gia tăng tình trạng thiếu nước nghiêm trọng ở nhiều nơi, cùng với đó là sâu bệnh hại lúa cũng có điều kiện phát triển mạnh.

Hiện, dù đã qua 2 đợt xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp song không ít địa phương vẫn trong tình trạng thiếu nước gieo trồng. Thêm vào đó, nhiều địa phương dù đã được khuyến cáo song vẫn tiến hành gieo cấy trước Tết Nguyên đán. Thời tiết nắng ấm, lúa phát triển nhanh, nếu trỗ đòng vào thời kỳ nắng nóng cao điểm, thiếu nước tưới, khả năng mất mùa là khó tránh khỏi.

Khả năng mất mùa trên diện rộng

Nắng nóng khiến sâu bệnh trên lúa phát triển rất nhanh và mạnh. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Bùi Sỹ Doanh cho biết, qua giám định các mẫu lúa ở một số địa điểm của các tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Bình... đều có triệu chứng điển hình của bệnh lùn sọc đen phương nam. Bên cạnh đó, các loài rầy hại lúa cũng đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành như Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng...

Thống kê cho thấy, nhiều loại bệnh hại lúa lần đầu tiên xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc với diễn biến phức tạp và lây lan rất nhanh.  Hiện đã có 18 tỉnh, thành phố thuộc vùng Bắc Trung bộ, đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc đã phát hiện có lúa nhiễm bệnh, với tổng diện tích lúa bị thiệt hại nặng tới trên 30.000ha.

Theo đánh giá của nhiều tỉnh, thành khu vực miền Bắc, nắng nóng cộng với thiếu nước tưới, sâu bệnh hoành hành khả năng mất mùa vụ lúa ĐX ở các tỉnh miền Bắc là rất có thể nếu không có các biện pháp đối phó. Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt, tổng diện tích gieo cấy vụ ĐX 2009-2010 của các tỉnh miền Bắc dự kiến khoảng 1,13 triệu ha, năng suất đạt 60,6 tạ/ha, đạt tổng sản lượng gần 7 triệu tấn thóc. Và như vậy, so với vụ ĐX trước, năng suất tăng khoảng 1,4 tạ/ha, cùng với diện tích gieo cấy giảm khoảng 9.000ha nên sản lượng giảm khoảng 70 nghìn tấn.

Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng thất thường và nguy cơ đe dọa mất mùa, Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép áp dụng chính sách hỗ trợ phòng, trừ bệnh hại lúa trên phạm vi cả nước. Thời gian hỗ trợ là từ nay đến hết năm 2010. Theo đó, ngân sách Trung ương sẽ chi 100% kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật để phòng, trừ dịch bệnh hại lúa. Bên cạnh đó, hỗ trợ 12kg gạo/người/tháng để cứu đói cho các hộ nông dân bị thiệt hại do dịch bệnh trên lúa gây ra, thời gian hỗ trợ tối đa là 6 tháng... Đồng thời, mức hỗ trợ cho các hộ nông dân ở các tỉnh phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào) có diện tích lúa bị tiêu hủy do nhiễm bệnh là 4 triệu đồng/ha.