[Thông điệp từ lịch sử] Nguyễn Biểu - “Cuộc đời trung nghĩa gần xa tỏ”

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là một câu trong bài thơ của Hoàng Trừng viết về ông ngoại là Nghĩa liệt vương Nguyễn Biểu với sự kiện “ăn cỗ đầu người” nổi tiếng.

Nguyễn Biểu quê làng Bình Hồ, huyện Chi La thời Trần, làng Bà Hồ thời Lê, nay là làng/xãYên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Không rõ năm sinh và cha mẹ của ông là ai. Theo Hoàng Xuân Hãn thì ông đỗ Thái học sinh (tương tự như tiến sĩ) thời Trần, trước đời Duệ Tông (1374 - 1377) như một số sách chép.
Từ “Vó câu ngàn dặm tuyết xông pha”
Ngày 2 tháng 10 năm Đinh Hợi (1/11/1407), Trần Ngỗi là con thứ của Trần Nghệ Tông phất cờ khởi nghĩa ở Mô Độ (Yên Mô, Ninh Bình), xưng là Giản Định Đế, đặt niên hiệu Hưng Khánh. Cuộc khởi nghĩa được đông đảo Nhân dân và tầng lớp quý tộc nhà Trần, Hồ ủng hộ nên nhanh chóng phát triển. Cuối năm 1407, các phủ Hóa Châu, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa được giải phóng.
 Đền thờ của Nguyễn Biểu ở Yên Hồ,  Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Nghĩa quân tiến ra Bắc, thế như chẻ tre, thắng trận to ở Bô Cô (Ninh Bình), dồn quân Minh vào thế bị động. Nhưng tiếc là sau đó nội bộ nghĩa quân bất đồng. Trần Ngỗi giết hai tướng trụ cột là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Cuộc khởi nghĩa suy yếu dần.
Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị là con của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân mang theo binh sĩ rời Giản Định Đế, về Nghệ An mở cuộc khởi nghĩa mới. Hai ông tìm cháu Trần Nghệ Tông là Trần Quý Khoáng dựng cờ khởi nghĩa.
Ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Sửu (2/4/1409), Trần Quý Khoáng lên ngôi, là Trùng Quang Đế, niên hiệu Trùng Quang, đặt đại bản doanh ở Bình Hồ, Chi La, đối diện với Lam thành qua sông Lam khoảng 6km. Để chính danh và thống nhất lực lượng hai cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân cho người ra Bắc đánh úp bắt Trần Ngỗi về, tôn là Thái Thượng Hoàng.
Như vậy, rất có thể, Nguyễn Biểu đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Trần Quý Khoáng ngay từ đầu vì nó được khởi sự từ chính làng quê của ông.
Từ năm 1409 đến 1412 là giai đoạn phát triển của cuộc khởi nghĩa; nghĩa quân tiến ra đánh chiếm cả Hàm Tử, Bình Than. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép là sau khi xưng đế, Trùng Quang đã cho sứ sang cầu phong nhà Minh, sứ bị giết. Đến năm 1411 lại cho sứ sang cầu, vua Trùng Quang được phong Giao Chỉ Bố chánh.
Cùng với các khởi nghĩa khác, nghĩa quân dồn ép quân Minh vào thế bị động, phải cho viện binh sang giải nguy. Nhưng, từ giữa năm 1412, khởi nghĩa suy yếu dần. Nghĩa quân phải rút vào Hóa Châu. Lúc này Nguyễn Biểu giữ chức Thị ngự sử, “tính rất cương trực nên được vua tin dùng”.
Trước tình thế khó khăn, tính kế hoãn binh giải nguy, năm 1413, lĩnh mệnh vua Trùng Quang, ông sang thành Nghệ An, dựa lời chiếu của Minh Thái tổ, cầu phong cùng Trương Phụ. Trước khi đi, vua Trùng Quang tặng ông bài thơ: Mấy vần thơ cũ ngợi hàng hoa/ Trịnh trọng rày nhân dắng khúc ca/ Chiếu phượng mười hàng ta cặn kẽ/ Vó câu ngàn dặm tuyết xông pha/ Tang bồng đã bấm lòng khi trẻ/ Khương quế thêm cay tính tuổi già/ Việc nước một mai công ngõ vẹn/ Gác Lân danh tiếng dọi lâu xa.
Ông họa lại: Tiếng ngọc từ vâng trước bệ hoa/ Ngóng tai đồng vọng thuở thi ca/ Đường mây vó ký lần lần trải/ Ải tuyết cờ mao thức thức pha/ Há một cung tên lồng chí trẻ/ Bội mười vàng sắt đúc gan già/ Hổ mình vả thiếu tài chuyên đối/ Dịch lộ ba ngàn dám ngại xa.
Đến “Vàng đúc lòng son một tấm; sắt rèn tiết cứng mười phân”
Từ nhà mình, ông sang Lam Thành gặp tướng giặc là Trương Phụ. Cuộc gặp này đã được Hoàng Trừng [Hoàng Giáp khoa thi năm Kỷ Tỵ (1498), người làng Bình Lộ, huyện La Giang, cạnh làng Bình Hồ] chép lại (sau khoảng 50 năm), như sau: “… Sau vua vào Hóa Châu. Trong khoảng đời vua Minh Thái tổ hiệu Vĩnh Lạc có xuống chiếu tìm con cháu nhà Trần. Vua bèn sai ngài sung chức sứ đi cầu phong. Ngài bèn lạy trước bệ vua để lĩnh mệnh; tiện đường qua thăm nhà, yết tổ tiên và sắm sửa đồ lễ, rồi mới ra đi.
Khi tới trước quan Trương Phụ, bọn giặc bảo ngài lạy. Ngài đứng trơ không nhúc nhích. Nhân thế, giặc đặt tiệc thết, nấu một đầu người mà mời, cốt để dò cho rõ ý ngài. Ngài tức thì lấy đũa, khoét hai mắt, hòa với giấm mà nuốt (trong bản có chép chua thêm rằng: Lúc tiệc bày ra, ngài cười mà nói: Đã mấy lúc mà người Nam được ăn đầu người Bắc).
"Trương Phụ than rằng: “Thực là một tráng sĩ, thấy thế mà không kinh sợ”. Giặc biết ngài không chịu khuất, lấy lễ phép mà mời ngài về.
"Ngài về tới cầu Lam. Có tên Phan Liêu là con Phan Quý Hựu, người làng Bàn Thạch, huyện Thạch Hà, trước đã hàng với giặc, được làm tri châu Nghệ An và hay cùng giặc ra vào bàn bạc. Nhân đó, Trương Phụ hỏi Liêu rằng: Ngài là người như thế nào? Liêu vốn cùng Ngài không thích hợp, nên nói rằng: “Người ấy là một người hào kiệt nước An Nam.
Nếu Ngài muốn lấy nước An Nam mà lại thả người ấy ra thì việc làm sao xong được? Trương Phụ cho là phải, tức thì sai người đuổi bắt trở lại. Ngài tự đoán chắc là phải giết, bèn lấy tay đề vào cột cầu Lam rằng: “Thất nguyệt sơ nhất nhật Nguyễn Biểu tử” nghĩa là “Ngày mồng một tháng Bảy Nguyễn Biểu mất”.
"Ngài bèn trở lại. Trương Phụ trách ngài vô lễ, người hầu bắt ngài lạy. Ngài càng không khuất phục, và nghiêm sắc mặt mà mắng Trương Phụ rằng: “Bề trong thì lấy kế để mưu đánh lấy, bề ngoài thì phao rằng đem quân sang để làm việc nhân nghĩa. Đã hứa lập con cháu nhà Trần, mà lại bày đặt ra quận, huyện để cai trị. Không những cướp của cải quý báu, mà lại còn giết hại sinh dân. Bay thực là bọn giặc làm càn”.
"Trương Phụ giận lắm, trói ngài vào dưới cầu Lam, trước chùa Yên quốc rồi đánh chết”.
Các tài liệu cổ sử và truyền ngôn dân gian còn kể rằng khi “ăn cỗ đầu người Nguyễn Biểu còn đọc thơ rằng: “Ngọc thiện, trân tu đã đủ mùi/ Gia hào thêm có cỗ đầu người/Nem cuông chả phượng còn thua béo/ Thịt gấu gan lân hẳn kém tươi/ Ca lối lộc minh so vẫn một/ Vật bày thỏ thủ bội hơn mười/ Kia kìa ngon ngọt tày vai lợn/ Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời”.
Sau khi ông mất, vua Trùng Quang có bài văn tế, có câu: “… Nhớ thuở tiên sinh, cao da mạo (mũ) trại, chăm chắm ở ngôi dài gián, đành làm cột đá để ngăn dòng; tới khi tiên sinh xa gác vó câu, hăm hăm chỉ cán cờ mao, bỗng trở gió vàng bèn nên nỗi.
Thói tinh chiên Hồ tặc chỉn tăm; gan thiết thạch Tô công dễ đổi.
Quan Vân Trường gặp Lữ Mông, dễ xa cơ ấy, mảng thấy chữ “phê tê hà cập” dạ những ngùi ngùi; Lưu Huyền Đức giận Lục Tốn mong giả thù này, nghĩ đến câu “thường đảm bất vong” lòng thêm dội đội.
Sầu kia khôn lấp cạn dòng; thảm nọ dễ xây nên núi.
Lấy chí báo chưng hậu đức, rượu kim tương một lọ, vơi vơi mượn chúc ba tuần; lấy chi ủy thửa phương hồn, văn dụ tế mấy câu, thẳm thẳm ngõ thông chín suối”.
Sư chùa Yên Quốc cũng có làm bài kệ để ca ngợi chí khí của ông:
Chói chói một vầng tuệ nhật; ùn ùn mấy đóa trà vân.
Tam giới soi hòa trên dưới; thập phương trải khắp gần xa.
Giải thoát lần lần nghiệp chướng; quang khai chốn mê tân.
Trần quốc xảy vừa mạt tạo; sưa hoa bỗng có trung thần. Vàng đúc lòng son một tấm; sắt rèn tiết cứng mười phân.
Trần kiếp vì đâu oan khổ; phương hồn đến nỗi trầm luân.
Tế độ dặn nhờ từ phật; chân linh ngõ được phúc thần.
Sau khi mất, ông được táng ở quê nhà.
Về sau, Lê Thái Tổ sau khi lên ngôi đã cho lập đền thờ ông ở quê, “sắc phong làm NGHĨA SĨ ĐẠI VƯƠNG, sai quan mỗi năm về tế”.
Sau cái chết bi hùng của ông, núi Lam Thành còn có tên là núi Nghĩa Liệt; bản xã nơi ông hy sinh cũng có tên là Nghĩa Liệt. Không chỉ ở Bình Hồ mà nhiều nơi ở xứ Nghệ cũng có đền thờ Nghĩa Liệt Vương Nguyễn Biểu.
Nghĩa Liệt Vương Nguyễn Biểu mất đã hơn 600 năm nhưng tinh thần yêu nước, sự trung thành và chí khí của ông vẫn còn tỏa sáng. Chúng ta vẫn thấy, lung linh nghĩa tình vua tôi sâu nặng giữa Trùng Quang Đế với ông.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần