Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông điệp từ Thủ tướng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau Hội nghị đối thoại trực tuyến giữa Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) có chủ...

Kinhtedothi - Ngay sau Hội nghị đối thoại trực tuyến giữa Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) có chủ đề: "Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước" vào sáng 29/4 thì buổi chiều, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lại chủ trì cuộc họp của Chính phủ để  giải quyết các kiến nghị của DN và thảo luận dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN. Tiếp theo đó, ngày hôm sau (30/4), Thủ tướng lại có cuộc tiếp xúc với 3.000 công nhân lao động 8 tỉnh, thành  phía Nam để nắm bắt thực tế đời sống, tâm tư nguyện vọng của họ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một nhận xét trước các thành viên Chính phủ, đại thể: Bộ máy Chính phủ vừa được kiện toàn mới 20 ngày mà đã gặp nhiều việc lớn, nó thử thách bản lĩnh của Chính phủ, của Thủ tướng, “nhưng tôi nghĩ chúng ta đủ bản lĩnh, đủ khả năng để xử lý”. 

Điều mà Thủ tướng nói, có lẽ đã được xuất phát từ một chuỗi sự cố dồn dập ập tới trong thời gian ngắn vừa qua. Đó là khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung bộ hạn nặng, hơn thế, gần 60.000 ha đất của đồng bằng sông Cửu Long còn bị ảnh hưởng của ngập mặn kèm theo, nó không phải là những chuyện nhất thời mà nhiều nguy cơ sẽ là chuyện đại sự và sẽ xảy ra triền miên sau này.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi đối thoại với công nhân ngày 30/4/2016.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi đối thoại với công nhân ngày 30/4/2016.
Đó là sự cố cá chết trên vùng biển miền Trung từ đầu tháng 4 mà xuất phát từ Vũng Áng, Hà Tĩnh, nơi có Khu Công nghiệp Formosa (Đài Loan) được đầu tư cả chục tỷ đô la nhưng vẫn chưa thể truy ra nguyên cớ, khiến dân vừa lo lắng vừa bất bình bởi sự nghi ngờ đâu là thủ phạm gây ra mầm hoạ trên. Nhiều khả năng lại do chính con người, có thể do môi trường đầu tư không được giám sát chặt chẽ nên đã gây ra hậu quả... Nó có thể gây hệ luỵ, ảnh hưởng do thiếu đói xảy ra với ngư dân miền Trung nếu hải sản đánh bắt được đều bị người tiêu dùng nghi ngờ, tẩy chay. Hệ luỵ kéo theo với sự cố này còn là nguồn thu từ du lịch đang vào mùa cao điểm cũng bị ảnh hưởng nếu không được kết luận và khắc phục sớm.

Rồi tiếp đó là "sự cố" truy tố người kinh doanh nhỏ nhưng có dấu hiệu hình sự hoá của cơ quan Công an và Viện Kiển sát nhân dân huyện (với ông chủ quán Cà phê "Xin chào!" ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Từ đây, "cái sẩy nẩy cái ung", người ta biết thêm từ trước đó, cơ quan pháp luật huyện này cũng đã khởi tố hình sự cả ông chủ đất cho chủ quán "Xin chào!" thuê  khi ông dựng... chòi vịt "trái phép"... đang gây ảnh hưởng xấu cho môi trường kinh doanh của chúng ta.

Tất cả những chuyện đó, làm sao Thủ tướng lại không rầu lòng? Từ chuyện lớn liên quan tới thiên tai cho đến chuyện nhỏ (mà không nhỏ) như chuyện tưởng "nhỏ như cái móng tay" mà vội khởi tố hình sự. Nó có dấu hiệu của sự tuỳ tiện và lạm quyền đáng sợ. Nó đã vô tình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của người dân đến mức đáng báo động. 

Nói như ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khi ông buộc phải thốt lên, đại ý: Nếu  vụ" Xin chào!" mà xử họ thua thì các doanh nghiệp như "Xin chào!"  ở Việt Nam sẽ "chết" hết vì dạng này nhiều vô kể...

Nói vậy là để chúng ta cảm nhận "chiếc ghế nóng" mà Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ vừa ngồi đang "nóng" tới mức nào? 

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị nói trên, tôi nghĩ hoàn toàn không phải vì những cơn cớ đột xuất đó. Chính phủ đã có kế hoạch từ trước Hội nghị này bởi các thành viên Chính phủ thừa hiểu về một bức tranh kinh tế hiện thời của nước nhà chưa thấy được đường ra sáng sủa. Nó còn đầy khó khăn thử thách phía trước: Nợ xấu chưa hề giảm, nợ công vẫn ngày một tăng, DN đang gặp khó khi đứng trước cơ hội rất lớn cho Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP. 

Song, tinh thần của cuộc họp giữa Thủ tướng với các DN vừa qua đã cho thấy thái độ quyết liệt của Thủ tướng, muốn tháo gỡ khó khăn cho họ một cách mạnh mẽ và điều đó đã thể hiện rõ: Chính phủ hết sức chia sẻ khó khăn cùng DN. Chính phủ hiểu rằng, kinh tế đất nước "khoẻ" là nhờ các DN "khoẻ". DN "khoẻ" thì đời sống xã hội "khoẻ"...

Tôi rất tâm đắc với lời đề nghị của  bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk): "Mong Chính phủ coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, chứ không phải đối tượng quản lý"... Bà Mai Kiều Liên nhận định: "Nếu môi trường tốt, cạnh tranh thì doanh nghiệp Việt Nam phát triển không kém các doanh nghiệp trên thế giới".

Có lẽ Thủ tướng cũng thấu hiểu tiếng kêu của DN về chính sách kinh tế hiện hành còn rất nhiêu khê đang ngáng, cản DN, kiểu như phát biểu của ông Trần Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam (Khu Công nghiệp Trà Nóc 2, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) tại cuộc họp. Ông Quang không thể tưởng tượng nổi một con cá tra mà DN này nuôi phải chịu đến 5 - 6 loại phí trong khi giá thức ăn cho cá lại cao ngất. Rồi ngay trong việc kêu gọi đầu tư tại địa phương, chính quyền nói “trải thảm” nhưng các chính sách như vay vốn, quyền sử dụng đất… lại không phù hợp, thiếu nhất quán... Và  ông Quang đã dẫn chứng tại Hội nghị...

Tại Hội nghị trực tuyến trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chăm chú lắng nghe và trao đổi lại cùng các DN những vấn đề bức xúc nhất. Ngay buổi chiều cùng ngày, ông đã gút lại những việc cần triển khai tức thì tại cuộc làm việc với các thành viên Chính phủ. Chuyện triển khai "nhanh như chớp" kiểu này có lẽ hơi hiếm trong công tác điều hành của Chính phủ. Ông đã chỉ ra 10 điểm hạn chế của cơ chế điều hành kinh tế hiện nay của Nhà nước chúng ta. Ông đã nhìn nhận rất công tâm: "Những sự yếu kém, hụt hơi của DN là do lỗi của chính Chính phủ, từ cơ quan hoạch định chính sách. Nhưng, DN cũng phải chủ động “phải tự cứu mình trước khi trời cứu” (theo báo Thanh niên)...

Đồng thời, Thủ tướng cũng  chỉ rõ 10 giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển, trong đó, nổi bật lên có lẽ là những giải pháp như:

- Nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định pháp luật, doanh nghiệp được kinh doanh những gì không cấm.

- Tất cả doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế bình đẳng về vốn, đất, quy định kinh doanh, trừ trường hợp đặc biệt.

- Nhà nước đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách, không sớm nắng chiều mưa, để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư.

- Ngăn chặn hình sự hóa quan hệ kinh tế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Nhà nước, Bộ Công an không có chủ trương hình sự hóa, trừ trường hợp vi phạm.

- Giảm, tiến tới loại bỏ các loại phí, phụ phí bất hợp lý. 

- Yêu cầu đến 1/7/2016 bỏ hết quy định cũ, thực hiện đúng nghị định, thông tư, theo tinh thần luật đã được Quốc hội thông qua. (theo VietNamnet) và nhiều giải pháp khác...

Mạnh mẽ, kiên quyết để tháo gỡ khó khăn, đặng giúp cho DN làm ăn thuận lợi hơn. Cụ thể và chi tiết, Thủ tướng cũng chỉ ra những gì bộ máy công quyền cần làm ngay, sửa sai ngay để giúp DN và chia sẻ những gì còn bất cập lâu nay, vô tình gây cản trở sự phát triển kinh tế... Đó là những gì tôi cảm nhận được sau 2 Hội nghị trong cùng một ngày (mà gần như là cùng một nội dung) do tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. 

Như phần đầu đề cập, sáng 30/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  đã có buổi gặp gỡ, giao lưu với 3.000 công nhân đến từ các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang nhân 130 năm ngày Quốc tế Lao động 1/5. 

Tôi cũng nghĩ, điều này cũng không phải là vô tình.  Gặp DN rồi thì đúng là cũng rất nên gặp người lao động để  nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, qua đó để hiểu hơn về người lao động hôm nay. 

Qua tiếp xúc, Thủ tưỡng cũng đã ghi nhận những thiếu thốn, khó khăn của người lao động trong các khu công nghiệp. Thiết chế về nhà văn hóa, thể thao cho người lao động chưa được quan tâm. Nhà trẻ, trường học cho con em họ cũng thiếu thốn, không có chỗ trông coi nếu họ làm ca. Bữa ăn thì chưa đủ dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm...

Thủ tưỡng đã chăm chú lắng nghe và giải đáp. Có những đề nghị thì Thủ tướng xin ghi nhận và yêu cầu Công đoàn cùng giới chủ quan tâm, địa phương đôn đốc kiểm tra để sớm có những chuyển biến tích cực...

Tất cả những cuộc làm việc nói trên, theo tôi là đều rất có ý nghĩa giúp cho công tác điều hành của Thủ tướng sát thực hơn, hiệu quả hơn...

Hơn nữa, các cuộc hội nghị hoặc gặp gỡ nói trên đều  cận kề với kỳ nghỉ Lễ mừng đất nước Thống nhất (30/4) và ngày Quốc tế Lao động (1/5). Phải chăng, tinh thần này cũng là để các DN (giới chủ - nhà đầu tư và người lao động) có thêm niềm hy vọng. Họ có thể có thêm niềm vui trong những ngày nghỉ nói trên và chuẩn bị bước vào một cuộc chiến đấu trên thương trường hoặc sản xuất đầy khốc liệt sắp tới. 

Tôi nhìn và nghe thấy nhiều tràng vỗ tay của các doanh nhân hoặc người lao động "dám" cắt ngang lời Thủ tướng phát biểu cùng với những nét mặt hồ hởi khi lắng nghe Thủ tướng nói chuyện. Chỉ vậy là có thể hiểu được phần nào sự kỳ vọng ở nhiệm kỳ của Chính phủ mới với những gì tốt hơn sẽ tới, nó đang ở phía trước chúng ta...