Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thống đốc NHNN: "Điều kiện hiện nay chưa thể hạ lãi suất cơ bản"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong những tháng cuối năm nay, nhu cầu vốn tín dụng vẫn tăng lên do nhu cầu vốn phát triển sản xuất - kinh doanh và tác động của cơ chế hỗ trợ lãi suất 4% một năm.

KTĐT - Trong những tháng cuối năm nay, nhu cầu vốn tín dụng vẫn tăng lên do nhu cầu vốn phát triển sản xuất - kinh doanh và tác động của cơ chế hỗ trợ lãi suất 4% một năm.

Trao đổi với báo giới chiều 4/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng việc dùng giải pháp tiền tệ để kích thích kinh tế đã được cân nhắc kỹ lưỡng.

- Xin ông cho biết vì sao Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chủ trương tiếp tục kích thích kinh tế thông qua hỗ trợ lãi suất?

- Theo đánh giá của Chính phủ, các cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay ngắn hạn, trung và dài hạn ngân hàng đã đạt được mục tiêu là góp phần duy trì và phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, ngăn chặn được suy giảm kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Nhưng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp và xuất khẩu còn những khó khăn nhất định.

Năm 2010 mục tiêu của nền kinh tế là tập trung mọi nỗ lực để phục hồi tốc độ tăng trưởng. Vì vậy, Chính phủ có chủ trương thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế trong năm 2010, trong đó có biện pháp tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất, chủ yếu là đối với khoản vay trung và dài hạn, nhưng giảm về mức lãi suất hỗ trợ và tập trung vốn cho sản xuất.

- Dự kiến quy mô gói kích thích kinh tế thứ hai như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, Chính phủ có chủ trương kéo dài cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay ngắn hạn đến hết quý I/2010 và các khoản vay trung, dài hạn 31/12/2010, nhưng tập trung hỗ trợ lãi suất cho lĩnh vực sản xuất và mức hỗ trợ giảm xuống 2% một năm. Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng phương án cụ thể về điều chỉnh cơ chế và nguồn tiền hỗ trợ để báo cáo Chính phủ xem xét quyết định thực hiện ngay sau khi Thủ tướng ký nghị quyết.

- Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, nên dừng ngay việc hỗ trợ 4% lãi suất ngắn hạn, không kéo dài tới hết quý I năm sau, bởi "thuốc bổ" cũng chỉ nên uống đủ liều. Ông nói sao về đề xuất này?
 
- Lý do được các đại biểu đưa ra là nền kinh tế nước ta cơ bản đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, trong khi cơ chế hỗ trợ lãi suất đã và đang phát sinh những vấn đề cản trở đối với điều hành chính sách tiền tệ trong việc duy trì, bảo đảm cân đối vĩ mô cho nền kinh tế, nhất là cán cân thanh toán, cung - cầu tiền tệ, ổn định lãi suất và tỷ giá. Chính phủ đã thảo luận vấn đề này, nên có chủ trương chỉ kéo dài cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn ngắn hạn đến hết quý I/2010, và giảm mức lãi suất hỗ trợ xuống 2%/năm, đồng thời chỉ tập trung vốn cho sản xuất, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất tăng khối lượng vốn lưu động để giữ đà phát triển sản xuất - kinh doanh.

- Một số chuyên gia cho rằng, thay vì hỗ trợ lãi suất, Việt Nam nên thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, trong đó hạ lãi suất cơ bản, tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại, chỉ đạo ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất thấp, đúng mục đích...như nhiều nước vẫn làm. Xin cho biết quan điểm của ông?

- Ngân hàng Trung ương các nước phát triển và nhiều nước khác giảm lãi suất tái cấp vốn xuống mức 0% - 1% một năm. Đây là lãi suất cho các ngân hàng thương mại vay, từ đó làm giảm lãi suất liên ngân hàng và tác động gián tiếp đến lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Tuy lãi suất tái cấp vốn ở mức thấp, nhưng các ngân hàng thương mại vẫn cho doanh nghiệp vay với lãi suất khá cao, do rủi ro tín dụng tăng lên. Chẳng hạn ở Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ công bố lãi suất tái cấp vốn từ 0% - 0,25% một năm, nhưng lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại đối với các doanh nghiệp từ 6% - 6,6% một năm, cao hơn mức lãi suất trước khi xảy ra khủng hoảng.

Khi đề ra các giải pháp tiền tệ để kích thích nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu phương án hạ lãi suất cơ bản, tái cấp vốn xuống mức thấp (dưới 7%/năm) để giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, nhưng không có tính khả thi, vì khi đó lãi suất huy động thấp hơn lạm phát và không phù hợp cung - cầu vốn thị trường.

Đặc điểm của ngân hàng thương mại Việt Nam là hoạt động bằng nguồn vốn tự có và huy động tiền gửi (chủ yếu tiền gửi từ dân cư). Ý kiến hạ lãi suất cơ bản, đồng thời hạ lãi suất huy động tiền gửi để có thể hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, nghe qua khá hợp lý. Tuy nhiên nhìn vào tập quán và thu nhập bình quân nước ta chưa cao, tuyệt đại bộ phận người dân và cán bộ tích cóp, tích lũy được chủ yếu gửi tiền tiết kiệm chứ không phải đầu tư vào cổ phần, cổ phiếu như các nước phát triển. Chúng ta phải quan tâm đến quyền lợi cả người gửi tiền và người vay tiền.

Còn tăng khối lượng tiền cung ứng để hỗ trợ các tổ chức tín dụng, chúng ta đã có bài học năm 2007 rồi, làm như vậy lượng tiền trong lưu thông tăng đột biến, sẽ làm bất ổn thị trường tiền tệ và ngoại hối, lãi suất huy động và cho vay giảm đột biến, đẩy giá cả thị trường tăng lên, kéo theo hiện tượng “bong bóng” giá bất động sản và chứng khoán. VND bị mất giá, vòng xoáy lạm phát cao trong năm 2007, 2008 quay lại ngay trong năm 2009 do yếu tố tiền tệ. Thực tiễn cho thấy giải pháp hỗ trợ lãi suất 4% một năm cho các ngân hàng là hợp lý và có hiệu quả.

- Theo ông, liệu có xảy ra khả năng ồ ạt xin vay vốn kích cầu trong hai tháng cuối năm nay khi mà mức hỗ trợ của năm tới giảm còn một nửa?

- Trong những tháng cuối năm nay, nhu cầu vốn tín dụng vẫn tăng lên do nhu cầu vốn phát triển sản xuất - kinh doanh và tác động của cơ chế hỗ trợ lãi suất 4% một năm, nhưng không có khả năng ồ ạt xin vay vốn, vì việc hỗ trợ lãi suất được thực hiện theo cơ chế cho vay thông thường. Ngân hàng thương mại cho vay trên cơ sở nguồn vốn huy động từ nền kinh tế và nhu cầu vay vốn của khách hàng đáp ứng được những điều kiện theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, ngân hàng thương mại gặp khó khăn về huy động vốn và tăng cường việc thanh tra, giám sát cho vay hỗ trợ lãi suất theo quy định của pháp luật. Nhiều doanh nghiệp có tồn kho hàng hóa, sản phẩm ở mức cao, không có nhu cầu vay vốn hoặc không đủ điều kiện vay. Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng, đảm bảo khả năng an toàn thanh toán hệ thống. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp so với những tháng trước và vốn tín dụng sẽ tập trung vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu và các hoạt động sản xuất - kinh doanh.

- Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm sẽ như thế nào, khi mà tỷ lệ của 10 tháng đầu năm đã vượt 30%?

- Theo chủ trương ngăn chặn suy giảm kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng mà theo đó tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2009 khoảng 30%. 9 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng tín dụng là 29,3%, dự kiến cả năm có thể vượt quá 30%, nhưng không lớn, vì Ngân hàng Nhà nước chủ động điều hành các công cụ chính sách tiền tệ một cách linh hoạt và thận trọng. Mặt khác, khả năng huy động vốn từ nền kinh tế có giới hạn và tăng chậm, các ngân hàng thương mại không thể có nguồn vốn dồi dào để tăng trưởng tín dụng cao như những tháng đầu năm.

- Qua việc triển khai gói kích cầu thứ nhất, ngành ngân hàng rút ra những bài học gì để có thể triển khai gói thứ hai?

- Cơ chế hỗ trợ lãi suất được thực hiện trong năm 2009 đã hoàn thành nhiệm vụ là góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế và phòng ngừa tái lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 về nhiệm vụ trong năm 2010, trong đó, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% và chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô và ngăn ngừa lạm phát cao quay trở lại.

Theo đó, các giải pháp kích thích kinh tế được thực hiện trong năm 2010 cần có liều lượng hợp lý, tập trung cho các ngành và lĩnh vực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư và cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai cơ chế hỗ trợ lãi suất thông qua việc thông tin kịp thời, đầy đủ và minh bạch các nội dung của cơ chế hỗ trợ lãi suất cho cộng đồng doanh nghiệp và dân cư. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo và giám sát các ngân hàng thương mại thực hiện đúng quy định của pháp luật về cơ chế cho vay thông thường và hỗ trợ lãi suất, nâng cao chất lượng việc thẩm định các khoản vay, không hạ thấp điều kiện tín dụng. Chính sách tiền tệ được điều hành một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng, để ổn định thị trường tiền tệ, tập trung vốn cho vay hỗ trợ lãi suất đối với khu vực nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu và các hoạt động sản xuất - kinh doanh.