Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, sau 10 tháng thực hiện Nghị quyết số 13/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của HĐND TP về điều chỉnh giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng tại các cơ sở y tế công lập thuộc TP Hà Nội có một số khó khăn, vướng mắc và phát sinh.
Cụ thể, còn 1.348 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vẫn giữ nguyên giá địch vụ theo Quyết định từ năm 2009. Bệnh viện hạng I là 80%; bệnh viện hạng II 75%; bệnh viện hạng III, phòng khám đa khoa 70%; trạm y tế 65% của giá tối đa quy định tại Thông tư liên tịch ban hành từ năm 2006.
Tuy nhiên, qua 8 năm (từ 2006-2014), giá cả thị trường đã có nhiều biến động, tác động đến chi phí đầu vào của giá dịch vụ (thuốc, vật tư tiêu hao, điện, nước... đều tăng). Mặt khác, hiện nay nhiều bệnh viện Trung ương, bộ, ngành trên địa bàn thành phố áp dụng mức giá tối đa (100% mức giá trần). Như vậy, trên một địa bàn, cùng một kỹ thuật nhưng có 2 mức giá khác nhau, ảnh hưởng tới quyền lợi của người có thẻ BHYT. Vì thế, người có thẻ BHYT không lựa chọn khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Hà Nội do không được BHYT thanh toán như ở các bệnh viện Trung ương, bệnh viện bộ, ngành.
Bên cạnh đó, có 135 dịch vụ kỹ thuật có tên trong Thông tư số 43/2014/TT- BYT ngày 13/12/2013 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 1/2/2014 đã được các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Hà Nội thực hiện nhưng chưa có giá trong Nghị quyết số 13/2013/NQ-HĐND. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội thành phố chưa có cơ sở để thanh quyết toán.
Một số bệnh viện hạng II của TP có chuyên khoa đầu ngành đã triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật cao (thuộc tuyến bệnh viện hạng I và tuyến Trung ương) nhưng không được áp dụng mức giá dịch vụ của bệnh viện hạng I, trong khi chi phí đầu vào như nhau dẫn tới thu không đủ bù chi. Bởi vậy, UBND TP cho rằng, việc điều chỉnh, bổ sung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội là cần thiết.
Theo đó, điều chỉnh 1.348 giá dịch vụ kỹ thuật y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc TP. Bệnh viện hạng I tăng từ mức 80% lên 100%; bệnh viện hạng II từ mức 75% lên 95%; bệnh viện hạng III, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh từ mức 70% lên 90%; trạm y tế từ mức 65% lên 85%. Bổ sung giá 135 dịch vụ kỹ thuật y tế. Các bệnh viện tuyến dưới nếu đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ kỹ thuật của bệnh viện tuyến trên thì được áp dụng mức giá tương đương với mức giá đang áp dụng đối với dịch vụ kỹ thuật cùng loại của các bệnh viện tuyến trên.
Về tác động sau khi điều chỉnh, UBND TP cho rằng, việc điều chỉnh giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng tính đúng, từng bước tính đủ chi phí khám bệnh, chữa bệnh, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Giúp các cơ sở y tế có thêm nguồn tài chính để cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư thêm trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh; phát triển những kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị qua đó giảm gánh nặng ngân sách của thành phố.
Bên cạnh đó, đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo được thụ hưởng thành tựu phát triển của y học ở mức cao nhất.
“Việc điều chỉnh, bổ sung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không tạo ra tác động tiêu cực lên khía cạnh kinh tế và tâm lý xã hội. Các bệnh viện Trung ương, bộ, ngành trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận đã tăng giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không gây biến động tâm lý xã hội” - Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định.
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đi vào cuộc sống sẽ tăng nhanh tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Người có thẻ BHYT không phải chi trả dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc chỉ chi trả một phần, nên không tăng gánh nặng về kinh tế của người dân trong việc khám bệnh, chữa bệnh.
Thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội, các đại biểu không có ý kiến về nội dung của dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng việc Luật Giá có hiệu từ ngày 1/1/2013 và Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, trong đó quy định UBND cấp tỉnh quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi của địa phương, vì vậy HĐND cần xem xét, trước khi thông qua Nghị quyết.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, sau khi có Nghị định hướng dẫn triển khai Luật Giá, giao thẳng cho UBND cấp tỉnh quyết định, chịu trách nhiệm, đây cũng là bước cải tiến. Năm 2013, vì lạm phát nên HĐND TP mới thông qua 819 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bởi vậy, kỳ họp này UBND đưa ra báo cáo HĐND để nhận được sự đồng thuận, thống nhất, điều chỉnh, HĐND thống nhất về chủ trương, còn lại thực hiện theo thẩm quyền.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đề nghị HĐND làm đúng luật, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm. Chủ trương ủng hộ UBND TP điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Trên cơ sở thảo luận, HĐND thống nhất thông qua về mặt chủ trương Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội với đa số đại biểu tán thành.
Điều chỉnh giá một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
|