KTĐT - Từ nhiều tháng qua, dưới sự tập hợp của các tổ chức công đoàn lớn ở Pháp, hàng triệu người lao động nước này đã nhiều lần đình công, biểu tình trên quy mô lớn phản đối kế hoạch cải cách hưu trí.
Ngày 27/10, Quốc hội Pháp đã thông qua văn bản chính thức của kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí do chính phủ đề xuất sau khi toàn bộ dự luật gây tranh cãi này được Hạ viện thông qua với đa số phiếu (336 phiếu ủng hộ/ 223 phiếu chống).
Trước đó, ngày 22/10, dự luật đã được Thượng viện thông qua với 177 phiếu thuận và 155 phiếu chống.
Theo quy trình, dự luật sẽ được chuyển lên để Tổng thống Nicholas Sarkozy ký ban hành thành luật từ giữa tháng 11 tới.
Trong tuyên bố được đưa ra sau khi quốc hội thông qua dự luật, Thủ tướng François Fillon kêu gọi người dân Pháp tuân thủ luật pháp và phải "có trách nhiệm" tìm cách đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Điều khoản gây tranh cãi nhất trong dự luật là nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động từ 60 lên 62. Tổng thống Sarkozy coi đây là biện pháp cần thiết nhằm cắt giảm mức thâm hụt ngân sách hiện đang ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn và phe đối lập đã chỉ trích vì cho rằng điều khoản này tạo gánh nặng cho người lao động bình thường và người nghèo.
Từ nhiều tháng qua, dưới sự tập hợp của các tổ chức công đoàn lớn ở Pháp, hàng triệu người lao động nước này đã nhiều lần đình công, biểu tình trên quy mô lớn phản đối kế hoạch cải cách hưu trí.
Làn sóng biểu tình, đình công rầm rộ và quy mô lớn nhất bắt đầu từ ngày 12/10. Cho đến nay, mặc dù kế hoạch cải cách này sắp chính thức thành luật, các cuộc đình công và biểu tình vẫn nằm trong kế hoạch của các tổ chức công đoàn lao động lớn ở Pháp.
Nhiều nghiệp đoàn lớn, đặc biệt Tổng liên đoàn lao động CGT (tổ chức công đoàn lớn nhất ở Pháp) tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh kể cả khi kế hoạch cải cách hưu trí được quốc hội thông qua nhằm gây sức ép đòi chính phủ phải có các nhượng bộ.
Các tổ chức công đoàn đã phát động cuộc tổng đình công mới và tuần hành rầm rộ tại hơn 100 thành phố, thị trấn ở Pháp trong ngày 28/10. Đỉnh cao sẽ là "ngày hành động toàn quốc" vào ngày 6/11 với số lượng người tham gia dự kiến lớn nhất trong 15 năm qua ở Pháp.