Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thông qua nhiều Luật, Nghị quyết quan trọng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 23/11, tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua nhiều dự án Luật, Nghị quyết quan trọng như Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, Nghị q

Thông qua nhiều Luật, Nghị quyết quan trọng - Ảnh 1

Các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Minh Điền

Tổng Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN

Với gần 95% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) (PCTN) và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013. Trong đó, những đề xuất mới của các ĐBQH như mở rộng diện kê khai tài sản (bố mẹ, anh chị em); kiểm soát thu nhập của người có chức vụ; thành lập cơ quan độc lập PCTN thuộc Quốc hội hoặc Chủ tịch nước; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cư trú… được UBTVQH thống nhất không được đưa vào Luật.

Theo Chủ  nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, đây đều là vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm, nhưng cũng là vấn đề có liên quan tới quy định của Hiến pháp và các luật khác, đòi hỏi phải có thời gian tổng kết, đánh giá thực tiễn một cách toàn diện, sâu sắc đồng bộ. Do đó, Quốc hội giao cho Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu phương án cụ thể khi sửa đổi cơ bản toàn diện Luật PCTN trong thời gian tới.

Theo đó, Luật thông qua vẫn giữ nguyên phạm vi đối tượng phải kê khai và quy định chỉ công khai tại nơi làm việc. Luật cũng bổ sung các lĩnh vực phải công khai, minh bạch và quy định rõ về các hình thức công khai bắt buộc, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch. Tuy nhiên, các quy định cụ thể về mức giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu, trách nhiệm của người giải trình, trình tự, thủ tục của việc giải trình… giao Chính phủ quy định trong một văn bản dưới luật.

UBTVQH cũng tán thành việc bỏ mô hình Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng do Thủ tướng đứng đầu, thành lập Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban; hoạt động của Ban được quy định trong Văn kiện của Đảng, không quy định trong Luật. Theo đó, Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước, TAND tối cao, VKSND tối cao… đều có quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc tổ chức PCTN.

Hoàn thành cấp sổ đỏ trước năm 2015

Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai đã được Quốc hội thông qua. Nghị quyết yêu cầu trước năm 2015, cơ bản hoàn thành việc cấp sổ đỏ theo bản đồ địa chính, trích đo địa chính có tọa độ. Các cấp chủ động trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, tránh khiếu kiện vượt cấp. Xử lý kiên quyết các trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối, làm mất trật tự an toàn xã hội.

Ấn định các mốc thời gian thực hiện “lời hứa”

Trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn được Quốc hội thông qua nhấn mạnh đến trách nhiệm và thời hạn các Bộ trưởng, trưởng ngành phải giải quyết các vấn đề bức xúc đang đặt ra. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương phối hợp tiếp tục rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10, 11/2013). Quốc hội cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng, xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong xây dựng. Đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Quốc hội yêu cầu năm 2013, tạo cho được chuyển biến tích cực trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, bảo đảm đến năm 2015 có một hệ thống ngân hàng lành mạnh...

 Trong phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Nghị quyết về Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm chế độ thừa phát lại, kéo dài đến hết ngày 31/12/2015 và tổng kết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015.

* Chiều 23/11, Văn phòng Quốc hội đã họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc sau 25,5 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp chương trình nghị sự đề ra với việc xem xét, thảo luận và ban hành nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.        

 

Dành 3 tháng lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó xác định, việc lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 2/1/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013. Quốc hội kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia góp ý xây dựng bản Hiến pháp, thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới... Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp cuối năm 2013.