Thông tin trên mạng xã hội: Ứng xử thế nào cho phù hợp?

Phương Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trái chiều, tiêu cực là thực tế của không ít thông tin được đưa lên trên mạng xã hội, đòi hỏi công tác quản lý cũng phải thay đổi linh hoạt cho phù hợp, để trở thành kênh định hướng dư luận hữu hiệu hơn.

Vàng thau lẫn lộn

Ủy ban Kiểm tra T.Ư vừa công bố hình thức kỷ luật với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn về những sai phạm trong việc bổ nhiệm hết sức “ưu ái riêng tư” đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh. Để có kết quả này, cùng với sự vào cuộc của báo chí và các cơ quan chức năng, không thể không kể đến “công đầu” của mạng xã hội. Bởi khi bà Trần Vũ Quỳnh Anh còn đang yên vị chức Trưởng phòng ở Sở Xây dựng Thanh Hóa, đã có nhiều thông tin trên mạng xã hội về khối tài sản khổng lồ, cũng như sự thăng tiến chóng mặt của người phụ nữ được gọi là “hotgirl xứ Thanh” này.

Ảnh minh họa

Cuối tháng 7/2017, mạng xã hội được phen “dậy sóng” khi một người dân đã thông tin về những bức xúc khi xin cấp giấy chứng tử cho người thân vừa mất. Việc xử lý “đúng quy trình” một cách cứng nhắc, vô cảm của cán bộ phường Văn Miếu, quận Đống Đa khiến cho cộng đồng mạng phẫn nộ. Ngay sau khi thông tin được đưa lên, lập tức nhận được hàng nghìn bình luận, chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Bên cạnh một số ý kiến đánh giá, nhìn nhận sự việc một cách khách quan, nhiều người lại đưa ra cái nhìn phiến diện, thậm chí quy chụp cho rằng hầu hết cán bộ, công chức đều cứng nhắc, nhũng nhiễu, tiêu cực.

Sau khi nắm bắt thông tin, các cá nhân sai phạm đã bị xử lý nghiêm, tuy nhiên những hệ lụy của vụ việc vẫn khiến cả bộ máy “mang tiếng”, trong khi vẫn hàng ngày, hàng giờ nỗ lực vì công việc chung của TP. Đây là bài học đắt giá về xử lý thông tin trên mạng xã hội, khi mà những cái tốt, cái xấu và cả những ý kiến ngược chiều, phiến diện có sức “lan tỏa” rất nhanh. Một vấn đề nữa là ứng phó của những người làm công tác quản lý, đặc biệt ở những địa bàn có liên quan lại khá chậm, thậm chí cho rằng đó “không phải việc của mình”. Thế nên không ít trường hợp, sự việc đã “nóng” trên mạng xã hội, nhưng cán bộ vẫn chưa biết, phải đến khi có chỉ đạo từ cấp trên mới vào cuộc để “chữa cháy”.

Trong thời đại công nghệ phát triển rất nhanh, thông tin được cập nhật liên tục đến từng giờ, từng phút, nhưng rõ ràng sự thích ứng trong công tác quản lý còn bị động. Báo cáo đánh giá năm 2017 của Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng thẳng thắn cho rằng, công tác tuyên giáo còn chưa cập nhật, thích ứng trong việc khai thác và sử dụng internet, nhất là mạng xã hội phục vụ cho tuyên truyền. Thực tế này đòi hỏi phải sớm có sự thay đổi cho phù hợp, hiệu quả.

Linh hoạt, chủ động hơn

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, ngành Tuyên giáo Hà Nội cũng xác định những thách thức sẽ phải đối mặt trong thời gian tới như vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, gia tăng dân số… Nếu không xử lý khéo về thông tin, có thể dẫn đến “khủng hoảng truyền thông”; sự phát triển, tác động ngày càng ghê gớm của truyền thông mạng xã hội đối với mặt tư tưởng, an ninh văn hóa… Do đó, công tác tuyên giáo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả, bám sát tình hình thực tiễn, tâm trạng xã hội để không bị động, không bất ngờ, giúp tham mưu kịp thời cho TP. Trong đó, cán bộ làm công tác tuyên giáo phải xác định mạng xã hội là môi trường để khai thác phục vụ cho nhiệm vụ của mình.

Liên quan đến nội dung này, tại hội nghị triển khai công tác tuyên giáo năm 2018, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng nhấn mạnh yêu cầu với hệ thống Tuyên giáo Thủ đô: Phải tạo đột phá về việc khai thác, sử dụng mạng xã hội vào phục vụ công tác tuyên giáo của TP, lấy thông tin tích cực lấn át thông tin tiêu cực trên internet, mạng xã hội. Làm được như vậy, đây sẽ là kênh quan trọng, hiệu quả để định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận cho vì công việc chung của TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần