Trường THPT Trần Nhân Tông: Chờ kinh phí để nâng cấp, xây mới

Thanh Hải - Thu Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) xuống cấp đã lâu, phương án xây mới đã có, các thủ tục đã hoàn thiện, nhưng hiện vẫn chưa được cấp kinh phí triển khai. Trong khi đó, hơn 1.500 học sinh (HS) và thầy cô hàng ngày vẫn phải dạy và học trong nỗi bất an.

Sáng 23/10, có mặt tại trường THPT Trần Nhân Tông, thầy, cô và HS đều bày tỏ sự lo ngại khi phải dạy, học trong môi trường thiếu an toàn này. Các lớp học từ tầng 1 đến tầng 3 đều loang lổ do mưa thấm dột, nhiều vết nứt, mảng vữa bong tróc...
Mảng tường trên trần ngoài hành lang bị bong tróc
Nguyễn Phú Khang - HS lớp 12A6 cho biết, liên tục từ đầu năm học đến nay đã rất nhiều lần vữa trên trần lớp rơi xuống. Đầu tháng 9 vừa qua, khi giáo viên đang giảng bài, chiếc quạt trần đã rơi trúng bàn giáo viên và văng xuống đất, rất may không ai bị thương. Gần đây nhất, ngày 13/10, 2 mảng vữa trần lớn cũng bất ngờ rơi tại 2 phòng học của lớp 12A12 và 12A13... Không chỉ HS sợ, mà giáo viên cũng thấy lo lắng mỗi khi đứng lớp. Cô Trần Thị Thanh Hoa - giáo viên bộ môn Văn nhấn mạnh, cơ sở vật chất không an toàn cho giáo viên và HS của trường.
Hiện trường đang đối mặt với 2 vấn đề: Ô nhiễm từ cống rãnh, rác thải xung quanh trường; cơ sở vật chất đã xuống cấp trầm trọng. “Trường ô nhiễm nặng từ cống rãnh và tiếng ồn. Trận mưa vừa qua hàng loạt lớp học bị vữa trần, bóng đèn, quạt trần rơi... Rất mong được lãnh đạo cấp trên quan tâm, sớm sửa chữa, xây dựng trường mới để đảm bảo an toàn cho giáo viên, HS”, cô Hoa kiến nghị.
Nhiều vết nứt, bong tróc tại góc tường hành lang.
Trước nguy cơ xuống cấp và sự mất an toàn của trường THPT Trần Nhân Tông, chia sẻ với phóng viên sáng 23/10, Hiệu trưởng nhà trường Trần Thanh Tùng cho biết, để đảm bảo an toàn cho HS và giáo viên, Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu HS 2 lớp 12A12 và 12A13 đến học tạm tại phòng hội đồng của nhà trường.
Học sinh phải học trong phòng Hội đồng.
Cũng theo thầy Tùng, trường đã xuống từ năm 2010. Đến năm 2013, nhà trường đã trao đổi trực tiếp và cùng với Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng kế hoạch tu bổ, xây dựng và trình lên UBND TP Hà Nội với nguồn vốn từ ngân sách TP. Tuy nhiên, đến nay nhà trường vẫn đang chờ đợi để được đầu tư xây dựng. “Chúng tôi hy vọng trường sớm được tu bổ, xây dựng để cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng dạy và học, đặc biệt là sự an toàn của HS và giáo viên tại trường” - ông Tùng chia sẻ.
Nhiều vết nứt, bong tróc tại góc tường hành lang
Thầy Tùng cho biết, do diện tích của trường hạn hẹp, nếu xây dựng vượt 5 tầng (TP có chủ trương cho bậc THPT được xây vượt 5 tầng), thì trường cũng phải tận dụng hoàn toàn tầng 1 để làm sân, nhưng không thể đảm bảo các hoạt động thể chất của HS. “Được biết, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, từ nhiều năm nay có 2 đơn vị: Công ty rượu Hà Nội và nhà máy Dệt Kim Đông Xuân đã chuyển đi, nhưng phần đất này chưa được sử dụng. Chúng tôi rất mong TP quan tâm, nếu trường được xây dựng trên đất của 2 đơn vị này sẽ phù hợp với trường THPT”, thầy Tùng cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần