Bài học dân vận từ Thủy điện Sơn La
Sơn La là chặng dừng chân đầu tiên của đoàn. Ấn tượng đầu tiên là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng - Nhà tù Sơn La. Nơi được ví như "địa ngục trần gian" ở Tây Bắc. Nơi những chiến sĩ cộng sản đã biến nhà tù trở thành trường học cách mạng rèn luyện và bổ sung cho Đảng những chiến sỹ cộng sản ưu tú cho cách mạng Việt Nam. Trong sự nghiệp đổi mới, Sơn La nổi tiếng là nơi cung cấp nguồn thủy điện lớn cho đất nước, với 57 nhà máy thủy điện, tổng công suất 3.800 MW... Để có được mặt bằng triển khai các nhà máy thủy điện, theo Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Thào Xuân Sùng, tỉnh đã phải di dời hạng vạn hộ gia đình lòng hồ thủy điện… Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, đồng chí Phạm Quang Nghị tâm đắc nhiều nội dung có giá trị thực tiễn về công tác xây dựng Đảng, bài học vận động quần chúng. Mỗi nơi có cách giải quyết ổn định về vấn đề dân tộc, tôn giáo, nâng cao đời sống dân sinh… Ví như Hà Nội có tiềm năng đầu tư và nâng cấp hạ tầng cơ sở, kinh tế, xã hội,… có thể chia sẻ với Sơn La, thì ngược lại, kinh nghiệm giải quyết di dời hơn 20.000 hộ dân của Sơn La cũng là những bài học có giá trị mà Hà Nội cần nghiên cứu, tham khảo học tập…
Theo lãnh đạo tỉnh Sơn La, các công trình thủy điện đã nhấn ngập 16.000ha đất tự nhiên, trong đó khoảng 10.000ha dân đang sử dụng. Để giải quyết đời sống việc làm cho người dân mất đất, tỉnh đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo phương thức, lập Công ty CP Cao su Sơn La (gọi tắt là Công ty cao su), trực tiếp đầu tư kinh doanh. Mặt khác, vận động các hộ dân đóng góp giá trị quyền sử dụng đất và mua cổ phần để trở thành cổ đông của Công ty và trực tiếp làm công nhân trồng cao su… Đến năm 2011, Công ty đã trồng 6.436,6ha cây cao su, thu hút được 6.705 hộ ở 160 bản, 21 xã, 5 huyện và các gia đình này đã góp 6.100ha trồng cây cao su. Đến nay, Công ty đã nhận 4.693 người làm việc, đã có 1.849 người trở thành cán bộ, công nhân viên chính thức. Đến thăm Công ty tại xã Ít Ong, huyện Mường La, đồng chí Phạm Quang Nghị rất vui khi thấy đồng bào các dân tộc có việc làm ổn định, đời sống được cải thiện. Ông rất xúc động khi tận mắt chứng kiến giữa núi rừng Tây Bắc có nhà mẫu giáo dành cho con em cán bộ công nhân của công ty - những thế hệ măng non Sơn La được chăm sóc, học hành múa hát chẳng khác dưới xuôi.
Khởi đầu cơ hội hợp tác
Tại các buổi làm việc giữa đoàn công tác TP Hà Nội với các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu diễn trong không khí thân tình, cởi mở. Những khó khăn đều được chia sẻ, những tiềm năng và lợi thế của mỗi địa phương cũng được đánh giá đúng mức để cùng thống nhất phương thức hợp tác khả thi, hiệu quả trong thời gian tới…
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị thăm các cháu trường mầm non Cao su Mường La (Sơn La). Ảnh Lê Hương
Khó khăn chung hiện nay của các tỉnh Tây Bắc chính là rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực GD - ĐT, y tế. Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Thào Xuân Sùng cho biết, tỉnh đầu tư bồi dưỡng 30 học sinh để học trên đại học, nhưng đều không qua được môn thi tiếng Anh, dẫu có em đã bằng đại học sư phạm ngoại ngữ. Còn tại Lai Châu, Bệnh viện đa khoa tỉnh, quy mô 300 giường, mới hoàn thành, trong đó trang bị máy chụp của Mỹ, trị giá trên 44 tỷ đồng, hiện đại loại bậc nhất hiện nay (tại Hà Nội chỉ có BV quân đội 108 và BV Bạch Mai có)… nhưng phải nhờ bác sỹ ở Hà Nội lên vận hành. Nhưng cũng từ đó, số bệnh nhân phải chuyển viện tuyến T.Ư và Hà Nội giảm hẳn…
Trước những khó khăn ấy, Hà Nội đã và đang có hỗ trợ hiệu quả đối với các tỉnh Tây Bắc. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, thực hiện Quyết định 1816 của Bộ Y tế, từ năm 2008 đến nay, ngành y tế Hà Nội đã giúp Lai Châu cắt cử các BV Hà Nội, như Xanh Pôn, Đống Đa, Thanh Nhàn hỗ trợ BV đa khoa Lai Châu các lĩnh vực: xét nghiệm (huyết học, vi sinh, sinh hóa); chuẩn đoán hình ảnh: XQ, siêu âm; tổ chức tập huấn khám điều trị bệnh truyền nhiễm…, với tổng cộng 68 cán bộ, khám điều trị 15.849 lượt bệnh nhân. Ngoài Lai Châu, ngành y tế Hà Nội cũng cử cán bộ y tế giúp lên các tỉnh Điện Biên và Bắc Kạn. Tại các buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh đều đề nghị Hà Nội giúp đỡ đào tạo đội ngũ bác sỹ, giáo viên. Riêng Lai Châu hiện thiếu 400 - 500 giáo viên tiểu học, tỉnh khác cũng có tình trạng này...
Do khó khăn về nguồn nhân lực, nên dù rất giàu tiềm năng về đất đai, phát triển du lịch… nhưng các tỉnh đều rất nghèo về tiềm lực. Cơ sở hạ tầng kinh tế vừa thiếu, quy mô nhỏ, sức tiêu thụ hạn chế… Mặc dù còn khó khăn, nhưng rõ ràng qua các buổi làm việc, những tiềm năng của Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nếu được khai thác hiệu quả, chắc chắn sẽ là luồng sinh khí đánh thức tiềm năng vùng Tây Bắc. Đúng như nhận xét của ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Xuân Trường: “Lai Châu còn nghèo nên giữ được cảnh quan giàu về rừng nguyên sơ, môi trường tốt”. Lai Châu mới giàu về "sơn" - tức núi đồi, đề đầu tư phải có "thủy" - tức là nước; phải cho phép con người cải tạo thành sơn - thủy, tiềm năng vô giá này mới có giá trị. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đang chờ đón sự tham gia đầu tư của doanh nhân Hà Nội.
Đến với các tỉnh Tây Bắc xa xôi mà hùng vĩ, Đoàn công tác của TP Hà Nội đã thể hiện tinh thần “Hà Nội vì cả nước”. Bước đầu, Hà Nội đã hỗ trợ 6 tỷ đồng cho Quỹ xóa đói giảm nghèo của 3 tỉnh; các doanh nghiệp Hà Nội ủng hộ 30 tỷ đồng để xây dựng trường học; ngành y tế Hà Nội tặng thiết bị y tế trị giá trên 540 triệu đồng; ngành GD - ĐT tặng 700 triệu đồng cho địa phương chăn ấm cho học sinh vùng cao… Về lâu dài, các doanh nghiệp của Hà Nội sẽ cử cán bộ tới khảo sát thực địa, thị trường mở hướng đầu tư...
Thay cho lời kết
Có thể nói, chuyến công tác lên với vùng cao Tây Bắc đã để lại ấn tượng sâu sắc với tất cả các thành viên trong đoàn. Các tỉnh Tây Bắc còn khó khăn, bà con các dân tộc ở nhiều nơi còn nghèo khó. Nhưng đi đến đâu, các thành viên trong đoàn đều nhận được tình cảm ấm nồng của tình người miền ngược với miền xuôi; là niềm tin và sự gửi gắm của bà con các dân tộc với người dân Thủ đô. Đúng như lời nhận xét của đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: Chuyến đi đến với các tỉnh Tây Bắc đã mở ra những cơ hội hợp tác và phát triển trên các lĩnh vực. Các địa phương đều cần cho nhau, bổ ích cho nhau. Đến mỗi địa phương lại khám phá ra những tiềm năng, sự giàu đẹp của non sông đất nước. Biển có tiềm năng của biển, rừng có tiềm năng của rừng. Là Thủ đô của cả nước, chúng ta phải có trách nhiệm lĩnh hội tất cả những tiềm năng, lợi thế đó để huy động sức mạnh tổng hợp xây dựng Hà Nội xứng đáng với Thủ đô, xứng đáng với sự mong đợi của nhân dân cả nước. Đồng thời cũng là sự thể hiện tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.