KTĐT - Các con đường ở Thủ đô Jakarta, Indonesia chỉ có đủ không gian dành cho 1,5 triệu ô tô. Tuy vậy, mỗi ngày có khoảng 5 triệu phương tiện lưu thông trên đường phố.
Ông Muhammad Akbar, người được giao trách nhiệm nặng nề giải quyết vấn đề giao thông ở thủ đô Jakarta của Indonesia cho biết: “Thủ đô Jakarta phải đối mặt với hai vấn đề lớn là lụt lội và tắc đường. Hiện tượng lụt lội diễn ra khoảng ba đến bốn ngày mỗi năm. Tắc nghẽn giao thông xảy ra hàng ngày và là một vấn đề cấp bách".
Người đứng đầu cơ quan quản lý giao thông ở thủ đô Jakarta cho biết thêm ông đang theo đuổi chiến dịch "lôi kéo" và "thúc đẩy". Ông đang cố gắng thu hút mọi người sử dụng các phương tiện công cộng bằng cách mở những tuyến xe buýt mới. Ông cũng buộc người dân không đi ô tô bằng việc giới hạn nơi đỗ xe. Đồng thời, ông đặt kế hoạch đưa ra quy định xử phạt tương tự như quy định ở London nếu người tham gia giao thông gây tắc nghẽn.
Chất lượng hệ thống giao thông ở thủ đô Jakarta còn thấp: tàu hỏa thường muộn giờ, tài xế xe buýt thô lỗ và trên các phương tiện công cộng không có điều hòa nhiệt độ. Những người chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông ở thành phố Jakarta khổng lồ này cũng phải thừa nhận rằng khó có thể đưa ra những phương án hữu hiệu.
Mới đây, cảnh sát giao thông tại thủ đô Jakarta đã lập ra một tài khoản Twitter và một trang riêng trên mạng xã hội Facebook để cung cấp các thông tin cập nhật cho các tài xế về những nơi tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng nhất. Các trang mạng hoạt động như sau: khoảng 6 cảnh sát làm việc theo ca theo dõi trên máy tính. Những người đi đường đưa những tin nhắn lên trang Twitter hoặc Facebook hỏi về tình trạng giao thông tại một khu vực trong thành phố. Với sự trợ giúp của 160 camera truyền hình ảnh về liên tục, cảnh sát có thể kiểm tra địa điểm đó và gửi tin nhắn trên hai trang mạng xã hội này cho mọi người. Và nếu có thể, cảnh sát sẽ đính kèm thêm một bức ảnh.
Tuy nhiên, những vấn đề rắc rối nghiêm trọng liên quan đến giao thông ở thủ đô Jakarta vẫn còn nhiều. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Jakarta là Thành phố có mức độ ô nhiễm đứng thứ hai trên thế giới, sau Bắc Kinh. Khí thải từ ô tô chiếm 85% thành phần gây ô nhiễm không khí. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã nỗ lực yêu cầu người dân địa phương sử dụng các loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường hơn. Nhưng thực tế không được như thế.