Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ đoạn khó lường của tội phạm “tín dụng đen”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” đang tiếp tục nở rộ.

Với hoạt động này, các đối tượng đã đánh vào sự cả tin, lòng tham của nhiều người bằng cách huy động vốn trả lãi suất cao để rồi xảy ra những vụ vỡ nợ rúng động dư luận, khiến cho kẻ thì rơi vào vòng lao lý, nhiều gia đình điêu đứng, ly tán. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây mất trật tự an ninh xã hội.

Khốn đốn vì ham lãi suất cao

Mới đây, báo Kinh tế & Đô thị đã có bài viết: “Vòng lao lý của trùm “tín dụng đen”. Trong vụ việc này, đối tượng Nguyễn Thị Dậu (52 tuổi, trú tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) vay tiền của nhiều người với lãi suất cao, sau đó cho vay lại với lãi suất cao hơn để hưởng lợi. Từ cuối năm 2007 - 9/2011, Dậu vay của 52 người với tổng số tiền hơn 145 tỷ đồng. Cuối cùng, Dậu mời các chủ nợ đến nhà rồi tuyên bố... không còn khả năng trả nợ, và bỏ trốn, nhưng sau đó đến cơ quan công an đầu thú. Vụ án được đưa ra xét xử vào đầu tháng 10, tuy nhiên còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên Hội đồng xét xử đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung…
Nhiều người đã “sập bẫy” doanh nghiệp vàng bạc Thanh Tuấn, ở Xuân Mai, huyện Chương Mỹ.
Nhiều người đã “sập bẫy” doanh nghiệp vàng bạc Thanh Tuấn, ở Xuân Mai, huyện Chương Mỹ.
Cũng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, ngày 31/8 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thanh (chủ hiệu vàng bạc Thanh Tuấn, có trụ sở tại tổ 4, Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ) để điều tra về hành vi “Kinh doanh trái phép”.

Theo tài liệu của cơ quan CSĐT, trong quá trình kinh doanh từ năm 2009 - 2011, để huy động được tiền, vàng, Thanh đã dùng hình thức phát hành sổ tiết kiệm cho người gửi tiền, vàng. Thế nhưng, trong giấy phép kinh doanh, DN tư nhân Thanh Tuấn không được phép hoạt động phát hành sổ tiết kiệm để nhận tiền gửi từ người dân.

Để tạo lòng tin và huy động tiền, vàng, Thanh tạo ra “sổ tiết kiệm” lừa những người dân nhẹ dạ trên địa bàn huyện Chương Mỹ và tỉnh Hòa Bình gửi tiền. Tuy nhiên, DN Thanh Tuấn đã không thanh toán được số tiền, vàng cả gốc và lãi suất như đã cam kết. Cơ quan CSĐT đã làm rõ hành vi kinh doanh trái phép của Thanh; xác định DN đã phát hành 6 sổ tiết kiệm để nhận số tiền gửi 810 triệu đồng và 50 chỉ vàng.

Ban đầu, Thanh khai nhận, mục đích phát hành “sổ tiết kiệm” giống như sổ tiết kiệm của Ngân hàng Nhà nước nhằm huy động tiền và vàng của người dân, sau đó dùng số tiền, vàng đó đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay lãi. Cơ quan CSĐT đã nhận được hàng chục đơn tố cáo của người dân bị Thanh chiếm đoạt tiền với hình thức này…

Trong một diễn biến khác, tại một hội thảo về “tín dụng đen” tổ chức ngày 7/9, có hàng chục nạn nhân đã tìm đến để kêu cứu.Hầu như tất cả đều “sập bẫy" giống nhau. Họ được người quen môi giới vay vốn với lãi suất tương đương với lãi suất ngân hàng, buộc phải ký khống nhiều loại giấy tờ và phải giao sổ đỏ. Tuy nhiên, sau một thời gian, khi ngân hàng đến siết nợ, đòi phát mãi nhà, người dân mới biết tài sản của mình đã bị đối tượng "tín dụng đen" sang tên hoặc mang đi cầm cố ngân hàng.

Như trường hợp hàng chục nạn nhân, trong đó có bà Nguyễn Thị Lệ (tổ 36 Bắc Cầu, Ngọc Thụy, Gia Lâm) cho biết, được một người quen tên là Lan giới thiệu, bà đồng ý vay 150 triệu đồng của Nguyễn Thị Hải Yến - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cát Nam Phong (trụ sở ở phố Nguyễn Chí Thanh). Tin lời Lan, bà Lệ ký hàng loạt giấy tờ mà không biết đó là giấy tờ gì, đồng thời giao cho bà Yến CMND, sổ đỏ và sổ hộ khẩu. Thế nhưng, sau khi đưa cho bà Lệ 80 triệu đồng, bà Yến cầm giấy tờ rồi bỏ trốn. Đến khi “xã hội đen” và cán bộ ngân hàng xuống xem nhà để thu hồi nợ, bà Lệ mới biết nhà của mình đã bị bà Yến mang đi thế chấp ngân hàng để vay 2 tỷ đồng.

Còn ông Vũ Duy Hà (SN 1959, trú tại Nghi Tàm) chia sẻ về bài học đau đớn: Năm 2012, một người quen tên Sơn cũng thuyết phục vợ chồng ông bà vay 200 triệu đồng để sửa nhà, cho thuê kinh doanh với lãi suất chỉ 1,2%/tháng, chỉ tương đương lãi suất ngân hàng thời điểm đó. Khi ông Hà đồng ý, ông Sơn liền dẫn đến gặp bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm CFA. Do tin tưởng người quen, ông Hà cũng ký hàng loạt giấy tờ và đưa sổ đỏ cho bà Nhung giữ.

Song 10 tháng sau, khi cán bộ ngân hàng xuống "thăm nhà", ông mới biết ngôi nhà của mình đã được sang tên cho bà Nhung, và người này đã mang sổ đỏ đi ngân hàng thế chấp để vay 4,8 tỷ đồng cách đây 9 tháng. Sau khi phát hiện sự việc, ông Hà đã báo công an và phía công an đã gọi bà Nhung lên đối chất, bà Nhung cũng cam kết sẽ trả lại giấy tờ và sang lại tên cho ông Hà, song đến nay, việc đòi nhà của ông Hà vẫn còn… xa vời.

Một ngày có 4 vụ vỡ nợ “tín dụng đen”

Tại Hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy tín dụng đen” do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) và Công ty Luật TNHH Trường Lộc tổ chức ngày 7/9 tại Hà Nội, Thượng tá Trần Thị Thúy - Phó trưởng Phòng 5 (Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) cho biết: Thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2010 - 2014, cả nước liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức.
Bà Nguyễn Thị Lệ - nạn nhân của “tín dụng đen”.
Bà Nguyễn Thị Lệ - nạn nhân của “tín dụng đen”.
Liên quan đến “tín dụng đen” là 6.367 vụ việc, trong đó có 41 vụ giết người; 318 vụ cố ý gây thương tích; 588 vụ cướp tài sản; 1.089 vụ cưỡng đoạt tài sản; 1.707 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 2.496 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; 104 vụ hủy hoại tài sản… Trung bình mỗi ngày, cả nước có 4 vụ vỡ nợ “tín dụng đen”.

Ngoài ra, “tín dụng đen” mang lại những hệ lụy khác như các hành vi bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác, các vi phạm pháp luật về cầm cố, thế chấp tài sản... Theo đánh giá, các loại tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến “tín dụng đen” xảy ra liên tiếp ở nhiều địa bàn trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả những vùng quê hẻo lánh, miền núi làm cho người dân hoang mang, bất bình, giảm niềm tin vào các tổ chức tín dụng, các cơ quan quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan.

Trung tá Lê Khắc Sơn (Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội) cho hay, trong 5 năm trở lại đây, Phòng đã có chuyên đề về "tín dụng đen". Nhiều vụ việc xuất phát từ kẽ hở thủ tục ngân hàng. Người dân có khi chỉ cần vay 3 - 5 triệu đồng nhưng thủ tục quá phức tạp thì chuyển sang vay “tín dụng đen” và trả lãi theo ngày, theo tuần, theo tháng (thường không cố định từ 3.000 - 10.000 đồng/triệu/ngày hoặc 5 - 7%/tháng). Khi không trả được thì lãi nhập vào gốc.

Nhiều trường hợp ban đầu chỉ vay vài triệu đồng nhưng không trả được lãi, dần dần số nợ lên tới cả trăm triệu đồng chỉ sau một năm. Theo Trung tá Sơn, trong rất nhiều trường hợp, cơ quan bảo vệ pháp luật muốn bảo vệ người dân bị lừa đảo, tuy nhiên, các tài liệu, chứng cứ đều phản bác lại lập luận đó, nên dù muốn bảo vệ cũng khó. Có những gia đình, tất cả các thành viên đều đồng tình ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà cho đối tượng cho vay "tín dụng đen", vì vậy, khi đưa ra tòa xét xử thì người vay vẫn là bên yếu thế.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cho biết, hiện đang tiếp xúc với hơn 400 hồ sơ liên quan tới "tín dụng đen". Trong đó, chỉ riêng tỉnh Thái Nguyên có 140 hồ sơ. Cũng theo Luật sư Truyền và một số luật sư khác, đa số người đi vay mắc bẫy "tín dụng đen" không có kiến thức tối thiểu về tài chính cá nhân, nhiều người để được vay đã sẵn sàng ký mọi giấy tờ, không để ý đến hậu quả… Thậm chí, nhiều ngân hàng làm ăn tắc trách, tiếp tay cho “tín dụng đen” khiến người dân mất nhà cửa.

Theo ông Chu Quang Tiến - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án TP Hà Nội, quá trình xử lý nhiều vụ án cho thấy, hiểu biết của người dân rất hạn chế, dẫn đến không rõ nội dung giấy tờ mình ký. Thậm chí có tâm lý chủ quan, ký bừa, cho rằng không ai lấy được nhà của mình. Vì vậy, việc xét xử, thi hành án gặp nhiều khó khăn…

Trong nhiều vụ việc không thể không có trách nhiệm của ngân hàng và bên công chứng, vì rất nhiều trường hợp người dân không ký kết nhưng vẫn có chứng nhận của công chứng và ngân hàng biết một công ty thế chấp hàng chục sổ đỏ của người dân vay tiền mà vẫn giải ngân. Ông Tiến cũng khuyến cáo, người dân phải cảnh giác với các trường hợp nghi ngờ để không rơi vào bẫy "tín dụng đen". Còn khi biết bị lừa, hãy mạnh dạn tố giác với cơ quan công an.