Anh có thể chia sẻ đôi nét về con đường gắn bó với nhạc Trịnh theo cách nghiệp dư của mình?
- Chuyên ngành chính tôi theo học là báo chí. Chính vì vậy, nghề mưu sinh hàng ngày của Vinh là làm phóng viên một tờ báo chuyên về bất động sản. Tuy nhiên, đam mê âm nhạc có trong Vinh từ khi còn nhỏ, cộng với sự khâm phục những nốt nhạc của người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, nên từ năm 2003 tôi bắt đầu hát nhạc Trịnh tại một số câu lạc bộ ở Hà Nội. Bây giờ, vào mỗi tối cuối tuần, tôi cùng nhóm bạn của mình vẫn vác đàn đi hát ở các sân khấu nhạc Trịnh nghiệp dư - các quán cà phê dành cho người yêu nhạc Trịnh. Nói thật, cát-xê chẳng đáng là bao, đôi khi chỉ 50.000 đến 100.000 đồng/buổi, nhưng nó giúp tôi thỏa niềm đam mê.
Ngô Quang Vinh tự nhận là lữ khách của nhạc Trịnh
Có vẻ anh đầu tư rất nhiều cho niềm đam mê không kiếm ra tiền của mình, khi mà 10 năm qua, Vinh không chỉ ghi dấu ấn trong các minishow nhạc Trịnh mà còn bỏ gần 100 triệu đồng để cho ra mắt album “Phôi pha”?
- Hai minishow “Trịnh Công Sơn - Anh là ai?” và “Để người phiêu lãng quên người lãng du” tôi tổ chức năm 2012 được sự giúp đỡ của rất nhiều người bạn yêu nhạc Trịnh. Khán giả đến với tôi trong các đêm diễn ấy cũng không phải tầng lớp thượng lưu, giới chuyên nghiệp, những người quen với nhạc Trịnh ở các sân khấu lớn, mà là những người có thể nghèo nhưng yêu nhạc Trịnh theo cách mộc mạc. Đối với album "Phôi pha" cũng vậy, tôi được bạn bè và ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), Hãng phim Sài Gòn VAFACO, nhaccuatui.com động viên, hỗ trợ từ phần hình ảnh, thu âm, đến việc phát hành trên thị trường và trên âm nhạc trực tuyến.
Vậy theo anh, sự khác biệt nào thuyết phục những đơn vị và những người làm âm nhạc chuyên nghiệp giúp đỡ một ca sĩ nghiệp dư như Ngô Quang Vinh?
- Các hãng phát hành cho rằng, lâu lâu trên thị trường không có ca sĩ nam ra mắt album nhạc Trịnh nên album của tôi trở thành "của lạ". Hơn nữa, 8 ca khúc trong album "Phôi pha" không sử dụng nhạc điện tử mà chỉ đơn thuần âm thanh mộc với tiếng guitar để nổi bật lên giọng hát cảm xúc của Ngô Quang Vinh. Tôi như một lữ khách lãng du và chỉ dám kể lại đôi nét về nhạc sĩ họ Trịnh, những điều ông chiêm nghiệm về thân phận, cuộc đời và tình yêu theo cách hiểu, qua tiếng hát của chính mình. Hy vọng, sự chân thành của Ngô Quang Vinh sẽ mang đến cho khán giả một trải nghiệm với cung bậc cảm xúc sâu lắng.
Nếu "Phôi pha" thành công, anh có định tiến xa hơn để trở thành ca sĩ hát nhạc Trịnh chuyên nghiệp?
- Đối với Ngô Quang Vinh, âm nhạc không phải là sản phẩm thương mại hóa mà là niềm đam mê từ trái tim. Tôi không có tham vọng trở thành ca sĩ chuyên nghiệp mà chỉ muốn đem tình cảm thuần khiết, những ước mơ, những nỗi buồn man mác nhưng lại tươi sáng trong nhạc Trịnh đến với mọi người.
Xin cảm ơn anh!