Thu hồi xe máy cũ, nát: Không quyết liệt khó thành công

Hà Ánh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xoay quanh văn bản của Bộ TN&MT đề nghị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ, nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách Tài nguyên môi trường để làm rõ hơn về vấn đề này.

 Xe máy cũ. nát là một trong nhiều nguyên nhân gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường (Ảnh minh họa).
Ông đánh giá như thế nào về chủ trương thu hồi xe cũ, nát?

- Trước tiên, phải khẳng định rằng, chủ trương thu hồi xe cũ, nát là hoàn toàn đúng, cần được ủng hộ, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm không khí như hiện nay. Chưa nói đến vấn đề môi trường, việc xe cũ, nát lưu thông trên đường đã là không an toàn cho chính người sử dụng và cả những người tham gia giao thông.

Nhiều ý kiến cho rằng, những người sử dụng loại xe cũ, nát này phần lớn là người yếu thế, không có khả năng tài chính để chuyển đổi. Tôi cho là không hẳn, vì nhiều người có điều kiện nhưng vì tiết kiệm, thấy xe vẫn đi được thì họ vẫn sử dụng; có một bộ phận dùng xe này để chở hàng, đi chợ tiện quăng quật, không sợ xước, không sợ mất; còn lại một bộ phận nhỏ không có điều kiện tài chính để đổi xe khác. Bởi thế, nếu chúng ta không làm quyết liệt thì không biết đến khi nào mới giải quyết được. Tôi cho rằng, làm chính sách không thể đợi 100% ý kiến đồng thuận mà cứ có lợi cho người dân thì phải quyết, phải làm. Giống như quy định đội mũ bảo hiểm, khi triển khai cũng vướng không ít ý kiến trái chiều nhưng vì sự an toàn cho người tham gia giao thông, chúng ta quyết tâm làm và kết quả đạt được rất khả quan.

Thưa ông, nói thì dễ nhưng làm không đơn giản. Thực tế, Hà Nội cũng đã bao lần lên dây cót để thực hiện việc này nhưng tới nay vẫn chưa làm được?

- Trước khi triển khai, theo tôi, hãy đẩy mạnh tuyên truyền về hậu quả của việc sử dụng xe cũ nát, quá niên hạn sử dụng không chỉ ảnh hưởng tới tính mạng của bản thân người điều khiển, người tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng tới môi trường. Theo thống kê, ước tính khoảng 70% khí thải gây ô nhiễm môi trường bắt đầu từ ống xả của xe máy, trong đó xe máy cũ nát chiếm vị trí trọng yếu. Một đô thị văn minh, đáng sống thì không thể có những xe quá cũ nát, quá tồi tệ lưu hành. Người dân cần có thói quen sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt, vừa tiết kiệm, an toàn lại góp phần bảo vệ môi trường. Hơn nữa, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đi vào cuộc sống thì việc xe cũ, nát không được phép lưu thông cũng sẽ được luật hóa nên không thể không thực thi. Tuy nhiên, Nhà nước cũng phải có cơ chế hỗ trợ tài chính hợp lý cho chủ xe bị thu hồi.

Theo ông, làm thế nào để triển khai thực hiện thu hồi xe máy cũ, nát tạo được sự đồng thuận và hiệu quả?

- Tôi được biết, tại Nhật Bản, có nhiều xe cũ nhưng vẫn đẹp là do những chiếc xe đó có bộ phận lọc thải hoặc họ cải tạo lại máy, như vậy chưa chắc đã nát. Trong khi đó, ở nước ta, nhiều người dân có sở thích sưu tầm mua lại xe máy cũ nhưng họ thay máy mới thì sẽ không phát thải nhiều, không gây ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, giải pháp hiệu quả nhất để loại bỏ xe máy cũ, nát trong giai đoạn hiện nay là Nhà nước, nhà sản xuất và người dân cùng vào cuộc. Cần áp dụng theo đúng nghĩa là "thu hồi sản phẩm gây ô nhiễm môi trường" để xử lý, thay vì tịch thu tài sản thì quy định mới có thể đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, Nhà nước cần kiểm soát chặt điều kiện lưu hành của phương tiện như tăng cường kiểm tra, xử lý xe cũ, nát vi phạm điều kiện tham gia giao thông (giấy tờ, gương, đèn...). Cuối cùng, khi đã thu hồi được xe cũ, nát thì sẽ được đưa về đâu, xử lý như thế nào để vừa kiểm soát lượng khí thải, vừa giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường cũng là vấn đề rất nan giải, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần