Thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội: Kết quả ấn tượng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với vị thế trung tâm kinh tế và giao dịch quốc tế lớn của cả nước, thời gian qua, Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 9 tháng năm 2019, Hà Nội tiếp tục được DN FDI ưu tiên lựa chọn.

Đích đến của nhiều nhà đầu tư ngoại 
Trong số 59 tỉnh, TP được nhà đầu tư nước ngoài (NĐT NN) lựa chọn đầu tư trong 9 tháng qua, Hà Nội thu hút nhiều nhất với tổng số vốn đăng ký 6,15 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hà Nội trong 9 tháng qua chiếm 23,5% tổng vốn đầu tư của cả nước, và bằng 80% kế hoạch đề ra cho cả năm 2019. Năm nay, Hà Nội phấn đấu thu hút hơn 7,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Môi trường đầu tư của Thủ đô đã được cải thiện rõ nét, chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2018 tăng 4 bậc và nằm trong top 10 địa phương có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước. 
Trong 3 năm, từ 2016 - 2018, Hà Nội thu hút được khoảng 14 tỷ USD vốn FDI, bằng 2,25 lần giai đoạn 2011-2015. Riêng năm 2018, vốn FDI vào Hà Nội 7,5 tỷ USD, tăng gần 2,2 lần so với năm 2017, lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập; vốn thực hiện đã giải ngân lũy kế đạt khoảng 18,9 tỷ USD, chiếm 52,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. 
Sản xuất cánh tà máy bay dân dụng tại Công ty TNHH MHI Aerospace Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng
Hà Nội được các NĐTNN lựa chọn bởi có cơ sở hạ tầng tốt, các khu công nghiệp hoàn thiện, giao thông thuận lợi. Hà Nội là trung tâm kinh tế, công nghiệp thương mại, dịch vụ… đặc biệt, dân số Hà Nội đang tăng mạnh, tạo ra lực cầu về nhà ở lớn. Vì thế, lĩnh vực thu hút vốn FDI lớn nhất của Hà Nội là bất động sản và công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ thương mại, thông tin truyền thông.... 
Có thể kể đến các dự án lớn trong 9 tháng qua đầu tư vào Hà Nội như Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội. Dự án Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (Hồng Kông) với mục tiêu thiết kế, lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD.
Ngoài ra, hàng loạt DN hàng đầu Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… đã và đang tích cực triển khai dự án tại Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 30/6 -1/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã làm việc với lãnh đạo của nhiều tập đoàn hàng đầu Nhật Bản. Hai bên đã trao đổi các biên bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác đầu tư vào nhiều dự án trên địa bàn TP với tổng số vốn cam kết đầu tư lên tới 3,75 tỷ USD.
Trong số này, đáng chú ý có biên bản ghi nhớ giữa Hà Nội với Sumitomo và BRG về hai dự án công trình hỗn hợp Việt - Nhật ở quận Tây Hồ và xây dựng phát triển Khu công nghiệp Đông Anh ở huyện Đông Anh với tổng số vốn đầu tư 3 tỷ USD; với Công ty Cổ phần IDS Equity Holdings và các NĐT Nhật Bản về các dự án văn phòng, khách sạn tại Hà Nội với tổng vốn đầu tư đến 500 triệu USD; với Công ty TNHH AeonMall Việt Nam về dự án Trung tâm thương mại AeonMall Bắc Từ Liêm với vốn đầu tư dự kiến 250 triệu USD; với Nidec về một số dự án đầu tư, trong đó có dự án sản xuất và kinh doanh thiết bị, linh kiện điện tử công nghệ cao, sản xuất các thiết bị mới, đáp ứng yêu cầu công nghệ 4.0. 
Mới đây, trong chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tại Singapore nhằm thúc đẩy hợp tác tham gia tổ chức Giải đua ô tô Công thức 1 tại Việt Nam, các tập đoàn hàng đầu Singapore như ROK Group, Grab hay NPark Singapore đã hé lộ những thông tin xúc tiến, hợp tác đầu tư vào TP Hà Nội trong thời gian tới.
Chú trọng nâng cả lượng và chất
Theo Báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội, nguồn vốn FDI có xu hướng tăng trong cơ cấu tổng vốn đầu tư xã hội, góp phần duy trì mức tăng trưởng GRDP cao của TP trong những năm qua. Không chỉ gia tăng theo từng năm, với ưu thế tiềm lực về tài chính, công nghệ, đầu tư nước ngoài đã góp phần giúp TP hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu, tham gia vào chuỗi sản xuất khu vực và đa dạng hóa xuất khẩu, tạo thêm nhiều việc làm cho lực lượng dân số trẻ. 
Mặt khác, khu vực đầu tư nước ngoài cũng tạo sức ép cạnh tranh mạnh hơn trong từng ngành, làm động lực cho các DN trong nước cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, có một số dự án lớn, có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Trong thời gian tới, Hà Nội định hướng thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao. Một số ngành, lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư như: Dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế, logistic… Các lĩnh vực này phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
Về kêu gọi đầu tư vào các dự án mới, TP chủ động trao đổi sớm với các NĐTNN qua nhiều kênh khác nhau, tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của đối tác; nắm bắt xu thế phát triển của các ngành nghề để định hướng thu hút; tập trung giải quyết thủ tục hành chính qua mô hình "một cửa"... Hàng năm, Hà Nội đều tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư. Tại đây, TP thể hiện mong muốn hợp tác với các NĐT như một đối tác tin cậy và sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để hai bên hợp tác bình đẳng, hiệu quả.
Theo đó, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, giám sát hiệu quả thực hiện dự án sau cấp phép. Chẳng hạn, bổ sung các quy định về tỷ lệ vốn góp thực hiện dự án trên tổng vốn đầu tư đăng ký để đảm bảo tính khả thi của dự án; bổ sung quy định về tỷ lệ mức vốn góp tối thiểu phải đáp ứng của NĐTNN đối với mỗi lĩnh vực đầu tư để phát huy thế mạnh, tiềm năng khai thác vốn đầu tư; bổ sung cơ chế phối hợp quản lý, giám sát sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giữa các địa phương, đồng thời xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu chung về FDI để chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước (về đầu tư, DN, thuế, hải quan, lao động….), nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dự án đầu tư theo quy định.

"Hiện một loạt các quốc gia thực hiện chính sách hướng Nam và Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên, trong đó, Hà Nội và các TP, các tỉnh phía Bắc là điểm dừng chân đầu tiên cho các NĐTNN. Đây là sự chuyển dịch có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế và chính trị - xã hội. Hà Nội có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực trí tuệ cao, tiềm năng thị trường lớn… vẫn được đánh giá là vùng đất dễ kiếm tìm nguồn lợi nhuận lớn, an toàn" - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc


"Với TP Hà Nội, điều quan trọng không chỉ là thu hút được bao nhiêu vốn FDI mà phải làm sao phát huy hiệu quả của dòng vốn này. Sẽ không chỉ phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp ưu đãi đầu tư, mà còn đánh giá hiệu quả thu hút và sử dụng vốn FDI" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung