Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu hút FDI và rào cản từ phí “bôi trơn”

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù biết cơ sở hạ tầng còn đang trong quá trình hoàn thiện, thiếu lao động tay nghề cao, thị trường nội địa cạnh tranh cao..., nhưng DN nước ngoài vẫn chọn Việt Nam để đầu tư.

Tuy nhiên, những yếu tố khác ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định của nhà đầu tư (NĐT) là tình trạng tham nhũng, luật pháp chậm được thực thi hoặc thực thi một cách không đồng bộ, những rắc rối về hành chính, sự minh bạch trong không ít lĩnh vực.

Còn nhiều khoản chi không chính thức

Kết quả điều tra từ 1.550 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, có đến 49% DN FDI đã phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan (dù tỷ lệ này đã giảm 10 điểm % so với năm ngoái); 25% thừa nhận đã trả tiền "bôi trơn" để có được giấy phép đầu tư và 13,6% trả hoa hồng khi cạnh tranh giành các hợp đồng của cơ quan Nhà nước; 72% số DN cho biết, sau khi gia nhập thị trường, họ phải mất tới hơn 5% quỹ thời gian trong năm để tìm hiểu và thực hiện các quy định hành chính, đồng nghĩa với việc mất đi lượng thời gian tương ứng để quản lý và phát triển DN. Tỷ lệ này cao đáng kể so với mức thấp lịch sử đạt được trong năm 2010 (56%)...

Dây chuyền sản xuất motor điện loại nhỏ tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam. Ảnh: Danh Lam

GS Edmund Malesky (Đại học Duke, Mỹ - Trưởng nhóm nghiên cứu PCI) cho biết, khi nhóm nghiên cứu nêu câu hỏi tham nhũng có mang tính hệ thống hay không, 45% DN FDI cho biết đã trả chi phí không chính thức. Nhiều DN nói đây là luật bất thành văn, không làm cũng không được. GS Edmund Malesky đặc biệt lưu ý khi gần 80% DN được hỏi nói rằng họ trả chi phí không chính thức để tạo mỗi quan hệ với cán bộ thanh tra, kiểm tra. Nếu để việc này trở thành một phần văn hóa kinh doanh thì rất khó xóa bỏ. Dù cho các địa phương đã tìm nhiều cách để ưu đãi nhưng các NĐT vẫn thấy chưa đủ. Họ đang cần giảm tham nhũng, phiền hà hơn nữa…

Cần minh bạch hóa

“Trong khi chi phí chính thức của DN không phải là nhỏ thì chi phí phi chính thức còn lớn hơn” - TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đánh giá như vậy tại buổi tọa đàm "Bảo đảm tính nhất quán trong tạo môi trường thuận lợi cho DN". Ông Cung nhận định, cần bỏ bớt các thủ tục, giấy phép, điện tử số hóa, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa công chức và DN, minh bạch hóa quá trình thực hiện, phải thay đổi tư duy quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. "Phải thay đổi từ người lãnh đạo đến công chức" - ông Cung nhấn mạnh.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Trần Ngọc Quang: “Khi làm việc với các hiệp hội DN ở nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc, có thể nhận thấy, các DN nhỏ ở Hàn Quốc rất muốn sang Việt Nam để đầu tư, thậm chí các DN nước ngoài còn đề nghị tạo những khu công nghiệp riêng cho họ, xin đất cho họ để họ chuyển các DN sang Việt Nam. Nhưng việc này rất khó và còn những trở ngại về chính sách". Về vấn đề giao dịch thị trường, ông Quang cho rằng, môi giới là người có vai trò quyết định sự minh bạch, ổn định của thị trường.

Những câu chuyện chia sẻ từ chính thực tế của DN đã cho thấy, mặc dù Chính phủ có quyết tâm và bước đầu hành động nhưng hành trình cải thiện môi trường kinh doanh là không dễ dàng, với rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Market Intello chỉ ra những thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam năm 2017, nhất là việc thu hút vốn FDI, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang có xu hướng quay trở lại Mỹ và Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang rơi vào bế tắc, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút FDI. Bởi thực tế hiện nay mới chỉ có một vài công ty đa quốc gia (TNC) của Nhật Bản, Hàn Quốc có đầu tư vào Việt Nam, thiếu vắng hoàn toàn các TNC của châu Âu hay Mỹ. Thực tế này đòi hỏi thời gian tới để tăng sức cạnh tranh, Việt Nam cần tăng cường giản lược những thủ tục hành chính, trong đó có khu vực FDI để tạo hiệu quả trong quản lý khu vực kinh tế này, góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế FDI hữu hiệu hơn.

Theo đánh giá của VCCI, chi phí thực sự của tham nhũng không chỉ bao gồm các khoản "bôi trơn" trực tiếp, mà còn bao gồm hiệu quả mất đi khi nhà thầu được chọn lựa không dựa trên năng lực thực chất.