Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu ngân sách còn nhiều thách thức

Nha Trang thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính cho biết, công tác thu ngân sách vẫn còn nhiều thách thức khi thu từ 3 khu vực trọng điểm là DN Nhà nước, DN FDI, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh không đạt dự toán. Ngoài ra, kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả trong chi tiêu ngân sách vẫn còn những bất cập nhất định.

 Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh. Ảnh: Danh Lam
Thưa ông, việc thực hiện dự toán NSNN năm 2018 đã đạt kết quả như thế nào?

- Tổng thu NSNN luỹ kế 10 tháng đạt xấp xỉ 85% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017. Chi NSNN 10 tháng ước đạt 72,4% dự toán; ước cả năm đạt 102,6% dự toán, trong đó các khoản chi thường xuyên, chi trả nợ lãi bám sát dự toán.

Chi đầu tư phát triển giải ngân chậm, 10 tháng đạt 55,4% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 53,7% dự toán); ước cả năm chỉ đạt khoảng 88,2% dự toán. Trong thời gian còn lại của năm, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn của các công trình, dự án.

Bội chi, kiểm soát trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định cả số tuyệt đối và tỷ lệ so GDP (dự toán 3,7% GDP, ước thực hiện 3,67% GDP). Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát trong phạm vi Quốc hội quyết định, đảm bảo toàn, an ninh tài chính (nợ công dự toán 63,9%, ước thực hiện khoảng 61,4% GDP).

Có thể thấy, kết quả thu ngân sách năm nay ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết của Quốc hội. Đâu là thách thức, thưa ông?

- Xét ở các góc độ khác nhau, vẫn còn những thách thức với thu NSNN. Thứ nhất, thu từ 3 khu vực trọng điểm không đạt dự toán. Nguyên nhân chủ yếu do dự toán năm 2018 tính cao: Khu vực DNNN tăng 13,1% so với năm 2017; khu vực FDI tăng 30,1%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,4%. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số ngành nộp ngân sách lớn chưa đạt tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng;. Chẳng hạn, ngành viễn thông (thuế thu nhập DN 9 tháng đạt khoảng 59%) ngành thuốc lá (thu 9 tháng ước đạt 70,6%), bia rượu (khoảng 69,5%)...

Thứ hai, thu ngân sách của một số địa phương trọng điểm cũng chưa đạt dự toán. Theo báo cáo của các địa phương thời điểm tổng hợp dự toán, một số địa phương hụt thu so với dự toán.

Thứ ba, tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn phức tạp. Thời điểm 31/12/2016, số nợ thuế là 77,3 nghìn tỷ đồng. Thời điểm 31/12/2017, con số này là 73,1 nghìn tỷ đồng. Đến 30/9/2018, số nợ thuế xấp xỉ 83.000 tỷ đồng.
 Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính
Bộ Tài chính sẽ ưu tiên các giải pháp trọng tâm nào để phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm nay, thưa ông?

- Để hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư… Bộ cũng tăng cường các giải pháp tăng thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, nhất là các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm thu, các hoạt động kinh doanh qua mạng, nhà hàng, khách sạn, khu vực kinh tế phi chính thức, các DN FDI…

Chi NSNN luôn là vấn đề lo ngại của dư luận xã hội. Thưa ông, trong lĩnh vực chi NSNN thì những vấn đề nào đang đặt ra cho ngành tài chính?

- Trong bối cảnh hiện nay, hai vấn đề lớn trong chi ngân sách là kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả trong chi tiêu ngân sách và vấn đề cơ cấu lại ngân sách đảm bảo tính bền vững.

Về kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả trong chi tiêu ngân sách, đúng là còn những bất cập nhất định. Còn tình trạng phê duyệt các chương trình, dự án khi chưa cân đối được nguồn; phân bổ dàn trải, giải ngân không đạt kế hoạch, số chuyển nguồn lớn và kéo dài... đội chi phí lên cao; việc tách bạch chi đầu tư - thường xuyên khó bảo đảm các định mức kinh tế - kỹ thuật, giảm hiệu quả, tuổi thọ của công trình, dự án đầu tư; hiệu quả đầu tư công thấp...

Về cơ cấu lại chi NSNN, thời gian qua đã thực hiện tích cực và bước đầu đã đạt được các kết quả nhất định. Đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên thực hiện xuống 63% (mục tiêu là dưới 64%), tăng tỷ trọng chi đầu tư thực hiện lên 26 - 27% (mục tiêu là 25 - 26%); trong khi vẫn điều chỉnh tiền lương bình quân 7%/năm, cùng với triển khai chính sách giảm nghèo đa chiều, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng...

Xin cảm ơn ông!