Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tính đến hết tháng 9 đạt 683.000 tỷ đồng, hoàn thành 75% dự toán. Trong 9 tháng, bên cạnh những kết quả tích cực, việc cân đối thu, chi NSNN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tuy nhiên, với các giải pháp quyết liệt từ Bộ Tài chính, dự báo, thu NSNN sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Hoàn thành 75% dự toán thu ngân sách Nhà nước
Tại buổi họp báo thường kỳ tổ chức chiều 2/10, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 9 ước đạt 61.300 tỷ đồng. Lũy kế thu 9 tháng đạt 683.000 tỷ đồng, bằng 75% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong đó, thu nội địa thực hiện tháng 9 ước đạt 42.800 tỷ đồng; Lũy kế thu 9 tháng đạt 504.300 tỷ đồng, bằng 79% dự toán, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2014. Nhiều khoản thu tiến độ đạt khá, có khoản đã hoàn thành dự toán năm. Thu từ dầu thô, thực hiện tháng 9 ước đạt 4.200 tỷ đồng; Lũy kế thu 9 tháng đạt 51.780 tỷ đồng, bằng 55,7% dự toán, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2014. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, thực hiện tháng 9 ước đạt 14.000 tỷ đồng; Hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 6.000 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, tổng số thu ước đạt 187.400 tỷ đồng, bằng 72,1% dự toán, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2014. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 64.000 tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 123.400 tỷ đồng, bằng 70,5% dự toán... Chi NSNN tháng 9 diễn biến ổn định, với tổng chi ước đạt 88.850 tỷ đồng. Luỹ kế thực hiện chi 9 tháng đạt 823.970 tỷ đồng, bằng 71,8% dự toán, tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2014.
Theo đại diện Bộ Tài chính, kinh tế trong nước tiếp tục ổn định, kinh tế thế giới phục hồi, DN phát triển; Tổng cầu và sức mua được cải thiện... là các điều kiện hỗ trợ thu NSNN đạt khá trong 9 tháng đầu năm.
Nhiều thách thức
Những kết quả trên có ý nghĩa hơn khi đạt được trong điều kiện thu từ dầu thô đạt tỷ lệ thấp so với dự toán cả năm, giảm sâu so với cùng kỳ năm trước, trong điều kiện thu NSNN từ xuất, nhập khẩu còn đạt thấp. Với tiến độ này, khả năng cả năm sẽ vượt so với dự toán cả năm và có thể tăng khá so với năm trước.
Tuy nhiên từ nay đến cuối năm, công tác thu NSNN được nhận định vẫn đứng trước những hạn chế, bất cập và thách thức không nhỏ. Cụ thể, thu từ dầu thô bị hụt lớn và giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Khả năng cả năm sẽ không đạt dự toán và vẫn bị giảm so với năm trước, do khả năng giá dầu thô trên thế giới tiếp tục giảm. Mặc dù có thời điểm tăng nhưng mức tăng nhẹ, trong khi nhìn chung vẫn là xu hướng giảm. Dự đoán khó đạt được mức bình quân (100 USD/thùng) như dự toán NSNN cả năm đã xây dựng. Thậm chí giá dầu được nhận định khó vượt qua mức 50 USD/thùng.
Thu từ xuất, nhập khẩu đạt và tăng thấp. Khả năng khoản thu này khó vượt và tăng cao khi thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Vì thế, các cơ quan chức năng cần rà soát để tránh thất thu do hàng nhập lậu ở biên giới, gian lận thương mại...
Chi trả nợ đạt dự toán cao, nhưng mặt khác cũng là vấn đề cần được cảnh báo, khi tỷ lệ thực hiện so với dự toán và tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước hiện ở mức cao nhất. Chi trả nợ và viện trợ tháng 9 ước 10.200 tỷ đồng; Lũy kế thực hiện chi 9 tháng đạt 114.790 tỷ đồng, bằng 76,5% dự toán, tăng 12,5% so cùng kỳ năm 2014. Bội chi 9 tháng đầu năm tuy đạt thấp so với dự toán năm, nhưng quy mô vẫn còn lớn. Bội chi NSNN tháng 9 ước 27.540 tỷ đồng; Lũy kế 9 tháng ước 140.970 tỷ đồng, xấp xỉ 62,4% dự toán năm.
Việc huy động vốn cho NSNN thông qua trái phiếu Chính phủ đạt thấp so với kế hoạch năm và giảm khá sâu so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 30/9/2015, Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động trái phiếu Chính phủ đạt tổng số 2.563 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 30/9/2015, KBNN huy động được 127.473 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch năm 2015, bằng 61% so với cùng kỳ năm 2014. Trong quý III/2015, thị trường tài chính - tiền tệ diễn biến không thuận lợi cho công tác huy động vốn cho NSNN, do ảnh hưởng từ việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, các đồng tiền trong khu vực giảm theo, trong đó có VND.
Trước tình hình trên, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 2% lên 3% và nới rộng biên độ dao động tỷ giá từ +/-1% lên +/-2% từ ngày 12/8/2015 và tiếp tục nới lên +/-3%. Diễn biến thị trường ngoại hối đã tác động mạnh đến tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, dẫn tới giảm nhu cầu mua Trái phiếu Chính phủ.
Thu ngân sách Nhà nước sẽ đạt và vượt dự toán
Trước những thách thức đang đặt ra cho bài toán NSNN, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến và thực hiện điều hành dự toán thu, chi NSNN; Đảm bảo cân đối thu chi; Triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu NSNN, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và giảm nợ đọng; Phấn đấu thu NSNN cả năm đạt và vượt dự toán giao. Các giải pháp tăng thu NSNN như xử lý thu hồi nợ; thanh, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan; chống chuyển giá, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế… tiếp tục được đẩy mạnh.
Bộ cũng sẽ tích cực, chủ động trong tổ chức điều hành NSNN; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi; Đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của NSNN theo dự toán và ứng vốn; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Điều hành sử dụng dự phòng NSNN chặt chẽ, ưu tiên để phòng chống khắc phục thiên tai... Bên cạnh đó, các giải pháp tăng huy động vốn, cải cách hành chính lĩnh vực thuế, hải quan... sẽ tạo điều kiện cho DN, người dân giảm bớt thời gian, chi phí. Điều này cũng hỗ trợ rất lớn trong tăng thu NSNN.
Kinhtedothi -
Trong 9 tháng năm 2015, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra, kiểm tra gần 52.000 DN, qua đó, tăng thu khoảng 8.400 tỷ đồng, đã nộp NSNN trên 6.000 tỷ đồng, giảm khấu trừ và giảm lỗ gần 16.200 tỷ đồng. Cơ quan thuế cũng đã thu được trên 24.500 tỷ đồng nợ thuế tại thời điểm 31/12/2014. Cơ quan Hải quan đã thực hiện 1.835 cuộc thanh tra sau thông quan, bằng 57% kế hoạch đề ra. Qua đó, xử lý truy thu vào NSNN khoảng 1.189 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. |
Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính:
Nợ công lên 66,4% GDP là tính không đúng Con số nợ công chiếm tỷ lệ 66,4% GDP do phía Học viện Chính sách và Phát triển tính toán thêm chi phí dự phòng nợ bất khả kháng vào nợ công. Đây là khoản chi phí không đúng với quy định của Luật Quản lý nợ công. Theo đúng quy định hiện tại, các khoản nợ công được tính toán chỉ bao gồm nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Chỉ số nợ công năm 2014 được tính toán là 59,6% GDP. Con số này vẫn tiếp tục được phía cơ quan chức năng đối chiếu với các nhà tài trợ. Tuy nhiên, con số thực có thể giảm do các khoản bảo lãnh của Chính phủ giảm. Ông Đào Xuân Tuế - Vụ Ngân sách Nhà nước: Bộ Tài chính đã vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng Bộ Tài chính đã vay xong và số tiền được chuyển vào tín phiếu kho bạc. Việc vay nợ 30.000 tỷ đồng chỉ là biện pháp xử lý kỹ thuật của NSNN và đây là khoản vay ngắn hạn, sẽ được hoàn trả vào cuối năm tài chính. Mục đích của khoản vay này nhằm cân đối thu chi NSNN. |