KTĐT - Nhiều người bảo rằng Đào Anh Khánh hơi... điên nhưng không hiểu sao cái “điên” của anh lại khiến nhiều người thích thú. Bằng chứng là mỗi dịp đầu xuân, chương trình “Đáo xuân” của anh thu hút sự chú ý của hàng ngàn người.
Và thứ nghệ thuật trình diễn mà anh đang mải mê theo đuổi, dù đã có mặt ở Việt Nam trên dưới 5 năm nhưng khi nhắc đến nó người ta vẫn nghĩ đó chỉ là những loại hình nghệ thuật lạ mắt, thu hút người ta tạm thời. Dẫu vậy, khi nhắc đến thứ nghệ thuật ấy là người ta nhắc đến tên anh – họa sỹ Đào Anh Khánh. Chính bản thân anh cũng say sưa không kém khi nói về nó về cả những tranh cãi “nảy lửa” về nghệ thuật trình diễn...
- Nhắc đến nghệ thuật trình diễn, người ta thường nhắc đến tên anh, như vậy có thể nói rằng Đào Anh Khánh được xem là người thành công nhất với loại hình nghệ thuật này. Theo anh thì vì sao nghệ thuật trình diễn lại khó được đón nhận ở Việt Nam, trong khi trên thế giới, nó lại là một loại hình nghệ thuật rất được ưa chuộng?
Cảm ơn lời nhận xét của bạn. Thực tình mà nói thì những cuộc trình diễn của tôi chỉ là những hành vi và về cơ bản còn rất hoang sơ. Với tôi, đó mới chỉ là một cái cửa để đi chứ chưa thể coi đó là những show trình diễn thực sự.
- Như vậy chính anh cũng thừa nhận, nghệ thuật trình diễn cũng chỉ mới là một dạng nghệ thuật thử nghiệm mà thôi?
Dù chỉ là các cuộc thử nghiệm không có nghĩa là nhảm nhí. Bằng chứng là những lần biểu diễn của tôi hầu hết được khán giả đón nhận rất nồng nhiệt. Khán giả bây giờ cũng rất tinh ý, họ phân biệt được đâu là nghệ thuật thực sự và đâu là những trò đùa nhố nhăng.
- Nhưng nhiều khán giả luôn hồ nghi những tiếng la hét của anh trong các lần biểu diễn?
Việc khán giả hồ nghi sự vặn vẹo thân hình trong một tấm lụa đỏ của Phạm Văn Trường hay những không gian kì quái màu sắc và những tiếng la hét của tôi cũng không có gì là lạ vì xưa nay khán giả chỉ quen với nghệ thuật trình diễn thông thường, tức là nghệ thuật truyền thống. Bản thân tôi cũng đã theo đuổi nghệ thuật truyền thống rất nhiều năm và rồi bất chợt nhận thấy rằng giá vẽ không nói hết được tình cảm của tôi, và nghệ thuật trình diễn đối với tôi là một con đường để có thể nói lên được tâm trạng và tình cảm của mình. Đó không phải là vấn đề đúng sai, đơn thuần là với tôi, nó có thể nói được tiếng nói của tâm hồn hay tình cảm của mình không. Và tôi thấy đó là mảnh đất rộng để tạo cơ hội thay đổi trong cách bộc lộ suy nghĩ của mình. Tiến sỹ Đỗ Lai Thúy khi được hỏi về nghệ thuật trình diễn đã thẳng thắn nói rằng: “Dù cho những thử nghiệm mang kết quả thế nào đi chăng nữa thì những người đi trước trong mọi lĩnh vực cũng rất đáng được kính trọng. Vì dù họ thành công hay thất bại, họ cũng là những người đặt nền móng cho một con đường”.
- Và anh đã tự ru ngủ mình rằng đó là lời khen dành cho những người đã và đang theo đuổi nghệ thuật trình diễn hiện nay chứ không phải là một câu nói để làm đẹp lòng tất cả mọi người?
Tôi không tự ru ngủ mình bằng mấy câu nói ấy nhưng tôi nghĩ đó là một lời khen của một người hiểu biết bởi vì tiến sỹ Đỗ Lai Thúy đã từng có một thời gian dài nghiên cứu về các loại hình nghệ thuật và nghệ thuật trình diễn cũng là một trong những điều mà ông ấy quan tâm.
- Vậy theo anh, vì sao nghệ thuật trình diễn được đón nhận ở các nước mà lại không được đón nhận ở Việt Nam?
Cho tới giờ, người ta vẫn rất khó xác định chính xác về điểm khởi đầu của nghệ thuật này. Nói tới nghệ thuật trình diễn, không thể bỏ qua một hình thái trình diễn pha trộn giữa nghệ thuật múa hiện đại châu Âu và các yếu tố của kịch Noh truyền thống Nhật Bản, được gọi là Hắc Vũ (Butoh Dance), ra đời vào khoảng năm 1959. Không gian chính mà mọi thực hành Hắc Vũ luôn quán chiếu vào là khoảng ranh giới giữa sống và chết, giữa tỉnh và mê, là đáy sâu vô thức của con người, nơi lưu giữ những động thái, hành vi và dáng vẻ mà ý thức không thể làm chủ, tức bản năng. Ngôn ngữ của nghệ thuật trình diễn vốn không chỉ nằm ở hình thể. Tuy nhiên, sự bộc phát trong nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam, sự thử nghiệm của các nghệ sĩ Việt Nam hầu hết nhằm vào khai thác ngôn ngữ của cơ thể nên khán giả thường hiểu lầm rằng nghệ thuật trình diễn chỉ là trò múa may vô nghĩa hay là sự bế tắc của nghệ thuật. Chính vì xuất thân nhập nhằng, từ những trường phái nghệ thuật kỳ quái như trường phái Dada hay Vị Lai, vốn từng gây sốc và khó chấp nhận ở chính châu Âu những năm đầu thế kỷ XX, nên việc nó không được chấp nhận ở Việt Nam vào thời điểm mới xuất hiện cũng là điều dễ hiểu.
- Như vậy có nghĩa là khán giả Việt Nam khó tính có phải không ạ?
Khán giả Việt Nam không hẳn khó tính nhưng lại có phần bảo thủ trong việc tiếp nhận những môn nghệ thuật mới, nhất là khi các môn nghệ thuật đó lại dây dưa đến những chủ đề vốn bị cấm kị trong ý thức của họ, những chủ đề thường gắn với phần “con” của vô thức.
- Anh có buồn không khi nhiều người gọi anh là Khánh “điên”?
Không, ngược lại còn thấy vui vui ấy chứ, bởi vì “điên” trong nghệ thuật là một từ đáng yêu dành cho những người dám sáng tạo, dám làm những điều bản mà mình mong muốn. Với tôi “điên” là một sự khen tặng mà khán giả dành cho mình với những cống hiến về nghệ thuật mà tôi đã dày công tập luyện và tặng cho khán giả. Cái “điên” đó là cái “điên” rất cá biệt, phản ánh cái tôi góc cạnh của người đó. Mà trong nghệ thuật, nếu không có tính cá nhân thì cái nghệ thuật đó chỉ như một thứ nước trong suốt thôi, ai cũng uống được mà chẳng có vị gì. Vì thế, nếu một nghệ sĩ mà không có trạng thái tâm lý đặc biệt thì nghệ thuật cũng khó tạo ra cái riêng.
- Trong cuộc sống anh có bao giờ bị người khác gọi mình là “điên” không?
Tôi đủ tỉnh táo để phân biệt được đâu là nghệ thuật, đâu là cuộc sống, tôi không bao giờ nhầm lẫn giữa hai phạm trù này nên trong cuộc sống thực tôi chưa bao giờ nghe ai nói mình điên. Tôi là người thích đốt cháy mọi cái điên của mình trong nghệ thuật còn khi ra ngoài cuộc sống thực tôi vẫn là một Đào Anh Khánh rất đỗi bình thường.
- Anh có sợ những lời chê không vì tôi đọc báo thấy khá nhiều bài viết chê anh hơn là khen, như vậy liệu có ảnh hưởng đến cuộc sống của anh?
Quả thực là có rất nhiều bài viết chê tôi nhưng điều khiến tôi buồn nhất là có khá nhiều bài viết nhầm lẫn nội dung tôi thể hiện, hiểu sai cả những điều mà có khi cả trong tiềm thức tôi cũng không hề xuất hiện. Nhưng cũng có một số người đi xem và viết rất sâu sắc về nghệ thuật mà tôi đang theo đuổi, đối với những bài viết ấy, tôi rất trân trọng dù có chê đến mức nào. Và trong rất nhiều bài báo viết về mình, chỉ cần một bài đánh giá đúng bản chất loại hình nghệ thuật tôi đang theo đuổi thì tôi cũng đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi bởi vì một cuộc biểu diễn của tôi cùng lắm chỉ kéo được vài nghìn người đến xem, nhưng chỉ qua một bài báo nghĩa là sẽ có hàng triệu người biết đến tôi. Tôi không quan tâm nhiều đến những gì người ta bàn tán, cái tôi quan tâm chính là việc người ta đã chấp nhận có một Đào Anh Khánh rất say mê với nghệ thuật trình diễn mà thôi.
- Cảm ơn anh!