Đồng Thái là một trong những địa phương làm khá tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện Ba Vì. Những năm qua, xã đã triển khai nhiều lớp đào tạo nghề về nông nghiệp, xây dựng, hàn xì, may công nghiệp… Trong đó, nghề may công nghiệp hiện được nhiều lao động nữ đăng ký học.Chị Phùng Thị Huệ, thôn Tri Lai, xã Đồng Thái làm nghề may được hơn 5 năm nay chia sẻ, trước đây, thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng, quanh năm túng thiếu. Nhưng từ khi làm thêm nghề may, thu nhập được cải thiện, chị có điều kiện sắm sửa đồ dùng tiện nghi trong gia đình. Hiện nay, ngoài làm ở công ty, chị Huệ còn sắm thêm chiếc máy khâu 4 triệu đồng nhận làm gia công ở nhà, tổng thu nhập mỗi tháng đạt từ 5 – 6 triệu đồng. Cũng làm nghề may được hơn 2 năm nay, chị Nguyễn Thị Nhạn, thôn Tri Lai tâm sự: “Nghề may công nghiệp rất phù hợp với chị em phụ nữ nông thôn bởi công việc nhẹ nhàng, dễ học, chỉ sau 3 tháng đào tạo nghề là đi làm được".Chủ tịch UBND xã Đồng Thái Phùng Trần Ngọ cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 27 xưởng may công nghiệp, thu hút khoảng 500 lao động, chủ yếu là lao động nữ. Theo ông Ngọ, may công nghiệp là nghề rất phù hợp với điều kiện, sức khỏe của phụ nữ ở nông thôn, góp phần tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho nhiều lao động.Tuy nghề may công nghiệp đã tạo được việc làm cho nhiều lao động nữ xã Đồng Thái nhưng việc nhân rộng nghề vẫn còn gặp khó khăn. Một phần, việc đào tạo nghề hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào Đề án 1956 của Chính phủ. Ngoài ra, công tác vận động, tuyên truyền tới lao động nữ chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang học nghề may ở cơ sở chưa được thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, các xưởng may trên địa bàn vẫn còn gặp khó khăn về vốn và mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất. Vì vậy, để nghề may thực sự mang lại hiệu quả cao, rất cần các chính sách ưu tiên đối với DN đầu tư vào lĩnh vực này.