Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thu phí đường bộ TẠI dự án BOT: Bộ đẩy trách nhiệm để lấy lòng dư luận

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, dư luận cả nước, đặc biệt là đội ngũ lái xe, DN vận tải xôn xao trước việc...

Kinhtedothi - Vừa qua, dư luận cả nước, đặc biệt là đội ngũ lái xe, DN vận tải xôn xao trước việc Bộ GTVT có văn bản đề nghị các nhà đầu tư, DN BOT lùi thời gian tăng phí đến ngày 1/6/2016 (theo lộ trình là 1/1/2016). Nhiều người cho rằng, đây chỉ là biện pháp lấy lòng người dân của Bộ GTVT.

Đề xuất không phù hợp

Cụ thể, tại Văn bản số 17178/BGTVT-TC ngày 25/12/2015 do Bộ GTVT ban hành gửi Bộ Tài chính; các nhà đầu tư, DN dự án với 23 trạm thu phí, Bộ GTVT đề nghị tạm thời lùi thời hạn tăng phí đến 1/6/2016 (theo lộ trình là tăng phí từ 1/1/2016), đồng thời căn cứ tình hình thực tế, chỉ số trượt giá để tính toán điều chỉnh mức phí cho phù hợp, thỏa thuận với UBND cấp tỉnh và Bộ GTVT để đề nghị Bộ Tài chính xem xét quyết định điều chỉnh Thông tư thu phí sử dụng đường bộ, dự thảo phụ lục hợp đồng BOT để điều chỉnh cho phù hợp.
Soát vé tại trạm thu phí Đại Xuyên. 	 Ảnh:  Phạm Hải
Soát vé tại trạm thu phí Đại Xuyên. Ảnh: Phạm Hải
Theo lý giải của Bộ GTVT, trong quá trình thương thảo hợp đồng dự án, Bộ GTVT và các Nhà đầu tư đã căn cứ vào dự kiến mức tăng trưởng chỉ số trượt giá (CPI) và mức phí trần quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 để đưa ra lộ trình tăng mức phí cho từng giai đoạn (trong đó có lộ trình tăng phí từ 1/1/2016). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay do sự điều hành chặt chẽ, sát sao, hiệu quả của Chính phủ nên chỉ số trượt giá thấp hơn nhiều so với mức dự kiến.

Mặc dù đề xuất trên đã bị Bộ Tài chính “tuýt còi”, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải đây là “nước cờ cao tay” của Bộ GTVT nhằm lấy lòng dư luận và đẩy trách nhiệm cho Bộ Tài chính và các Nhà đầu tư, DN BOT. Bởi, đã là làm ăn, chẳng ai muốn mình lỗ vốn, đặc biệt là các DN BOT, những đơn vị có thói quen vay lãi ngân hàng đi làm dự án. Những suy nghĩ trên càng trở nên có cơ sở khi Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, các trạm nằm trong lộ trình tăng phí vẫn tăng bình thường, việc tăng là cần thiết và hợp lý. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, nếu lùi thời hạn tăng sẽ phá vỡ phương án tài chính của Nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình thu hồi nợ của các ngân hàng.

Chính những tuyên bố này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng ngay từ khi “thai nghén” đến lúc ban hành văn bản trên, Bộ GTVT đã lường trước được câu trả lời là: Không. Tuy nhiên, để lấy lòng dư luận trong những ngày cuối năm Bộ GTVT vẫn đưa ra đề xuất này, dù biết rằng đề xuất này chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cam kết với Nhà đầu tư trong Hợp đồng BOT Nhà nước đã ký.

Sớm rà soát lại

Theo Bộ GTVT, năm 2015 công tác xây dựng kết cầu hạ tầng giao thông đã có những bước phát triển đột phá. Bộ GTVT đã khởi công, triển khai thi công mới 51 công trình, dự án. Trong đó, có 15 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng số vốn huy động trên 45.000 tỷ đồng, vượt 21% so với kế hoạch năm 2015. Thế nhưng, đằng sau những bước phát triển về hạ tầng của ngành giao thông còn không ít những vấn đề cần suy ngẫm, đặc biệt là công tác đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự tại những tuyến đường triển khai thu phí BOT.

Theo ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, các đơn vị có chức năng đưa ra tính toán, rằng xăng dầu chiếm 40 - 45% cơ cấu giá cước vận tải. Tuy nhiên, đến nay, ở bất cứ thời điểm nào, dù giá nguyên liệu đầu vào tăng hay giảm, cách tính trên đã không còn hợp lý. Theo lý giải của ông Liên, trung bình một chiếc xe ô tô chạy 1km hết 1.200 đồng tiền xăng, dầu trong khi đó phí BOT đã đạt tới 1.500 đồng/km.

Đề cập đến văn bản của Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính, Nhà đầu tư, DN BOT lùi thời gian tăng phí theo lộ trình, ông Bùi Danh Liên cho rằng, vấn đề ở đây không phải lùi thời gian vì sớm muộn cũng phải thu mà là giảm mức thu phí sao cho phù hợp. Theo ông Liên, mức thu phí BOT cần phải giảm 40% so với hiện nay, sau đó khi kinh tế ổn định bớt khó khăn tăng dần chứ không nên tăng một lúc kịch khung như hiện nay.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, thay vì kiến nghị lùi thời gian tăng phí, Bộ GTVT cần rà soát lại các dự án BOT, mức thu phí đối với các dự án đã, đang và chuẩn bị thực hiện. Không thể có chuyện DN BOT vào nâng cấp tuyến đường được xây dựng bằng tiền thuế của người dân trước đó rồi thu phí cao như đường xây mới. Đặc biệt, chỉ nên áp dụng hình thức BOT tại những tuyến đường mới, tuyến đường huyết mạch mang tính trọng yếu để phục vụ phát triển kinh tế đất nước… để đảm bảo cuộc sống của người dân.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên:

Dự án BOT đang vây doanh nghiệp vận tải

Thu phí đường bộ TẠI dự án BOT: Bộ đẩy trách nhiệm để lấy lòng dư luận - Ảnh 1Trong thời gian qua, liên tiếp các dự án BOT đã và đang chuẩn bị được đi vào hoạt động đã làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông Việt Nam. Vậy, tại sao các dự án BOT lại thu hút được đông đảo nhà đầu tư “đặt gạch” tham gia như vậy?

Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội.

Theo ông, tại sao ngày càng có nhiều DN tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ?

- Đến thời điểm hiện tại có thể nói, BOT các dự án hạ tầng giao thông đã trở thành một phong trào. Bất kể DN nào, từ DN cầu đường đến các ngành nghề khác, thậm chí là các ngân hàng cũng “thi đấu” để được làm BOT. Bởi, nếu được trúng thầu, các DN trúng thầu có lợi nhuận lớn, ổn định trong một thời gian dài.

Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

- Chủ trương xã hội hóa phát triển hạ tầng giao thông còn nhiều vấn đề để nói. Nhưng phải thấy rằng, mặc dù đây là vấn đề không mới trên thế giới, song chúng ta đang làm cấp tập quá, một lúc triển khai nhiều dự án quá. Cho nên nó bủa vây các DN vận tải, nó làm cho giá thành vận tải tăng lên, gây bức xúc trong dư luận. Do đó, các cơ quan quản lý cần cẩn trọng để thực hiện các dự án này. Đặc biệt, cần phải thay đổi nhận thức tư duy nhiệm kỳ, cùng với đó, rà soát kỹ các quy định, để thực hiện các dự án BOT được công khai, minh bạch hơn.

Xin cảm ơn ông!
Công Trình thực hiện