Thu phí không dừng tại các trạm BOT: Còn nhiều băn khoăn

Bài, ảnh: Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/3, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định 07/2017/QĐ-TTg và Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng qua các trạm BOT (thẻ Etag).

Nhiều vấn đề chưa được giải quyết

Ông Tô Nam Toàn – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, từ năm 2010, Việt Nam đã bắt đầu triển khai thí điểm thu phí tự động tại một số trạm thu phí. Tuy nhiên, đến năm 2016, dự án mới chính thức được Bộ GTVT khởi động. Hiện nay, trên thế giới có 3 công nghệ thu phí tự động được sử dụng phổ biến là công nghệ IMFC của các nước châu Âu, DFCI của Nhật Bản và RFID (Radio Frequency Identification). Trong đó, IMFC là công nghệ đã được lựa chọn để thí điểm năm 2010, còn công nghệ RFID sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới. Sau khi nghiên cứu và có sự so sánh giữa 3 công nghệ trên, Bộ GTVT đã quyết định chọn RFID cho dự án thu phí tự động được bắt đầu triển khai năm 2016.
 Nơi đăng ký dán thẻ Etag tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Về công tác dán thẻ Etag, ông Tô Nam Toàn cho biết, tất cả các phương tiện sẽ được miễn phí toàn bộ trong lần dán đầu tiên. Tuy nhiên, bắt đầu từ lần dán thứ 2, mức phí cho mỗi lần dán thẻ Etag sẽ là 120.000 đồng. Việc nạp tiền qua tài khoản có thể thực hiện qua nhiều kênh như thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, điện thoại. Mỗi tài khoản trả trước có thể dùng để chi trả cho nhiều phương tiện giao thông nhưng mỗi phương tiện giao thông chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản.

Theo ông Toàn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có yêu cầu mở rộng các hình thức nạp tiền vào tài khoản để thuận tiện cho các phương tiện sử dụng thẻ Etag. Tuy nhiên, hiện nay đang có một vấn đề chưa được giải quyết liên quan đến hàng rào kỹ thuật xử lý hệ thống. Cụ thể, đối với những trường hợp nạp tiền qua thẻ ATM hoặc thẻ tín dụng, để kiểm tra xem trong tài khoản còn tiền hay không sẽ mất từ 2 – 10 giây. Trong khi đó, yêu cầu xử lý của hệ thống thu phí tự động hiện nay chỉ là 0,2 giây. Đây là tốc độ chưa đáp ứng được so với tốc độ của hệ thống. “Nếu tốc độ xử lý chậm sẽ rất nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn. Như hiện nay, Trạm BOT Hoàng Mai (Nghệ An), tốc độ các phương tiện qua trạm có lúc lên đến 60km/h, rất nguy hiểm. Thời gian tới, khi công nghệ phát triển thì sẽ xử lý được. Bộ GTVT đang đề nghị ngân hàng bổ sung quy định liên quan tới thanh toán hệ thống thu phí tự động” - ông Toàn nói.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã bày tỏ quan ngại xoay quanh vấn đề dán tem Etag. Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Tổng Giám đốc Công ty CP OTV – đơn vị đứng tên pháp lý quản trị diễn đàn Otofun cho rằng, các xe được miễn phí dán thẻ Etag lần đầu nhưng còn lần sau sẽ phải chịu phí 120.000 đồng/lần, tuy nhiên với đặc tính của thẻ Etag và cách thức dán như hiện nay rất dễ dẫn đến hư hỏng. “Thẻ dán ngay giữa đèn của xe rất phản cảm. Mỗi lần đi rửa xe nếu không cẩn thận là hỏng ngay. Do đó cần cân nhắc lại vị trí dán thẻ” - ông Thắng nói.

Tại nơi dán thẻ Etag ở Tổng cục Đường bộ Việt Nam sáng 16/3, phóng viên ghi nhận có nhiều chủ xe cũng bày tỏ sự không hài lòng với cách dán thẻ như trên. Họ cho rằng dán lên trên đèn xe khiến thẻ Etag dễ bong, hỏng vì khi xe bật đèn lâu sẽ rất nóng, đó là chưa kể với nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa, gió, tuổi thọ thẻ Etag không thể kéo dài.

Vẫn còn nhà đầu tư BOT không muốn làm

Ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay, toàn quốc còn có khoảng 2,3 triệu phương tiện ô tô chưa được dán thẻ Etag. Cho nên, việc dán thẻ cho các phương tiện này đang là vấn đề cấp bách và cần phải đẩy nhanh hơn nữa. “Tôi đề nghị các Sở GTVT, các trung tâm đăng kiểm cần tích cực tuyên truyền việc dán thẻ. Các hiệp hội vận tải, các DN cũng cần chia sẻ về điều này. Các nhà đầu tư cũng phải chuẩn bị về thiết bị công nghệ để kịp với lộ trình Chính phủ giao” - ông Huyện nói

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, đã mời một số ngân hàng đến làm việc về vấn đề mở tài khoản. Với thu phí không dừng, trước mắt là tương đồng với trả tiền điện thoại. Các nhà đầu tư cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước để việc triển khai thu phí tự động không dừng được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có nhà đầu tư BOT không đồng thuận với chủ trương thu phí tự động mà Bộ GTVT đang thực hiện. “Đến thời điểm này không phải nhà đầu tư nào cũng muốn làm việc này nhưng chúng tôi kiên quyết theo đúng lộ trình Chính phủ. Nếu dự án nào đến hạn mà không lắp đặt thì sẽ dừng thu phí. Chúng tôi đề nghị Bộ nên làm một thông tư về các vấn đề liên quan đến thu phí không dừng. Quan điểm của tôi là dán thẻ phải nhanh, vì đây là dữ liệu và việc lắp đặt tự động ở các trạm đang thực hiện rất tốt” - ông Huyện khẳng định.

"Việc dán thẻ Etag hiện nay mới chỉ đang ở tính chất tuyên truyền, vận động giúp các chủ xe nhận thức đúng tầm quan trọng để tự nguyện đi dán chứ chưa phải là quy định bắt buộc. Hiện nay, Bộ GTVT đang trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định thu phí tự động. " - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện