Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã chính thức “vỡ trận”, song bao giờ công nghệ ETC sẽ được áp dụng vào thực tế và góp phần tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm như “quảng cáo” vẫn là câu hỏi lớn. Tiết kiệm 3.400 tỷ đồng mỗi năm? Cụ thể, tính toán của các chuyên gia cho thấy, hiện nay, mỗi lần dừng xe nộp phí sẽ làm chậm hành trình của phương tiện từ 2 - 3 phút... Mỗi năm, một trạm thu phí tiêu tốn khoảng từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tiền in vé. Nếu áp dụng công nghệ ETC tại 100 trạm thu phí thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được ít nhất khoảng 70 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nếu áp dụng công nghệ ETC, hàng năm sẽ tiết kiệm được khoảng 233 tỷ đồng từ tiêu thụ nhiên liệu; giảm thời gian tham gia giao thông ước tính khoảng 2.800 tỷ đồng/năm; giúp tiết kiệm tiền lương cho ngân sách Nhà nước khi phải chi trả cho hoạt động của trạm cân tải trọng xe lưu động khoảng 240 tỷ đồng/năm; tiết kiệm chi phí do tinh giản biên chế bộ máy hành chính khoảng 120 tỷ đồng/năm… Tổng cộng lợi ích kinh tế - xã hội mà hệ thống thu phí không dừng có thể giúp tiết kiệm được ít nhất 3.400 tỷ đồng.
Những cái lợi đã được “chỉ mặt, đặt tên” khi áp dụng công nghệ ETC. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, sau hơn một tháng triển khai, các trung tâm đăng kiểm mới cấp được khoảng hơn… 2.000 thẻ E-Tag. Theo ông Trí, sở dĩ số lượng phương tiện dán thẻ E-Tag còn thấp vì đây là dịch vụ mới, nhiều chủ phương tiện còn cân nhắc có nên áp dụng ngay hay không. Bên cạnh đó, nhiều chủ phương tiện cho rằng còn có rất nhiều trạm thu phí chưa được lắp thiết bị thu phí không dừng nên chưa cần thiết phải dán thẻ E-Tag ngay. Lo ngại phát sinh tiêu cực Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, nguyên nhân dẫn đến tiến độ áp dụng các trạm thu phí không dừng bị chậm so với dự kiến là do một số vướng mắc về thủ tục pháp lý. Cụ thể, hiện tại, các đơn vị tham gia triển khai xây dựng hệ thống thu phí ETC vẫn đang phải chờ Bộ KH&ĐT cấp giấy phép đầu tư. Cũng theo ông Trường, nhiều khả năng trước 10/7, Bộ KH&ĐT sẽ cấp giấy phép đầu tư cho liên doanh Công ty CP TASCO - Công ty CP VETC, nhà đầu tư và vận hành hệ thống thu phí ETC. “Ngay sau khi nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo triển khai ngay các công việc còn lại để trong tháng 7 này sẽ áp dụng công nghệ thu phí ETC tại 28 trạm thu phí trên toàn quốc” - ông Trường khẳng định. Việc triển khai thu phí ETC được kỳ vọng sẽ làm minh bạch hóa quá trình thu phí qua các trạm BOT, tuy nhiên, dư luận vẫn không khỏi lo ngại việc “bắt tay đi đêm” của các nhà đầu tư BOT với các bên liên quan để làm sai lệch số liệu, hay gây khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng. Sở dĩ có điều lo ngại như vậy là bởi, cuối tháng 6 vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng loạt thiếu sót tại trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, phần mềm quản lý thu phí chưa hỗ trợ được việc trích xuất báo cáo số thu phí của từng loại vé, từng ca, từng ngày, từng tháng. Ngoài ra, hệ thống phần mềm thu phí lưu giữ được hình ảnh chụp phương tiện chỉ lưu giữ được 4 - 5 ngày. Đặc biệt, hệ thống hoạt động chậm, thường bị treo máy khi muốn xem lại dữ liệu video. Do đó, để việc triển khai thu phí ETC đảm bảo đúng tiến độ đề ra, cũng như đạt được những hiệu quả như “quảng cáo”, Bộ GTVT và các đơn vị cần có những biện pháp cụ thể để tránh những cái bắt tay ngầm giữa nhà đầu tư BOT và các đơn vị giám sát.
Trạm thu phí không dừng thí điểm trên QL1. Ảnh: Hoàng Anh |
Tổng mức đầu tư và tổng vốn của dự án ETC là 1.524 tỷ đồng theo hình thức Hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Thời gian sở hữu và kinh doanh dự kiến 20 năm, thời gian kinh doanh chính thức được xác định trong quá trình thương thảo, đàm phán hợp đồng dự án. |