Thu phí vào nội đô: Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vừa qua, Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Theo đó, cả ôtô và xe máy đều phải đóng thêm "phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ." Ôtô tùy theo dung tích xilanh sẽ phải đóng thấp nhất 20 triệu đồng và cao nhất 50 triệu đồng mỗi năm.

Với môtô, xe máy tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng) phải đóng 500.000 đồng cho xe có dung tích dưới 175cm3 và 1 triệu đồng cho xe có dung tích lớn hơn.

Ngoài thu phí lưu hành, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất thu phí ôtô đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm (buổi sáng là từ 6 giờ đến 8 giờ 30, buổi chiều từ 16 giờ đến 19 giờ hàng ngày, trừ ngày nghỉ, ngày lễ), trong đó miễn thu phí với xe công và xe buýt.

Việc thu phí áp dụng tại khu vực nội đô thành phố, thu qua các trạm thu phí ở chiều vào với mức dự kiến là 30.000 đồng một lượt xe ôtô đến 7 chỗ và 50.000 đồng với các loại ôtô còn lại.

Về khu vực thu, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định trên cơ sở nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cho phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội và yêu cầu giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ở địa phương.

Đề xuất này được kỳ vọng có thể góp phần trong việc giảm thiểu tình trạng kẹt xe và ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, song lại đang vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều.

Theo ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, đây dường như vẫn chỉ là giải pháp tình thế và khó khả thi. Bởi hệ thống vận tải hành khách công cộng trong các đô thị lớn hiện nay chưa đạt chất lượng và dịch vụ tốt.

Trong khi các loại hình vận tải công cộng khác như xe điện ngầm, tàu điện trên cao vẫn chưa thể có thì xe gắn máy và ôtô vẫn được xem là phương tiện đi lại bức thiết và thuận tiện nhất của người dân.

Do đó, số đông người dân sẽ chấp nhận đóng phí để được sử dụng phương tiện cá nhân, không làm giảm được lượng xe trong nội đô vào các giờ cao điểm. Như vậy, Nhà nước sẽ chỉ thu được tiền chứ không đạt được mục tiêu hạn chế xe.

Cùng quan điểm trên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc thu phí để hạn chế xe cá nhân và giảm kẹt xe như đề xuất là bất hợp lý bởi tình trạng kẹt xe còn do đường sá chật hẹp và ý thức người tham gia giao thông chưa cao...

Ngoài ra, hiện nay người sử dụng phương tiện ôtô và xe máy phải chịu phí đăng ký biển số, trước bạ, thuế bảo vệ môi trường tính vào giá xăng dầu... nay lại thêm phí lưu thông nội đô trong giờ cao điểm thì sẽ gây thêm gánh nặng cho người dân.

Đó là chưa kể đến số lượng xe gắn máy đang lưu hành khá lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, các cơ quan chức năng thu phí bằng cách nào? Và làm sao kiểm soát được xe nào đã thu và xe nào chưa thu; cộng với nguồn kinh phí lớn cho công việc này.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có 9,2 triệu xe máy và cả nước có 1,8 triệu ôtô. Nếu thu 500.000 đồng/xe máy/năm thì khoản phí lưu hành xe máy sẽ đạt 4.600 tỷ đồng và phí ôtô sẽ cao gấp nhiều lần.

Số tiền này cao hơn mức thu phí đề xuất dành cho Quỹ Bảo trì đường bộ. Mức thu theo đầu phương tiện do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất trước đó dự kiến sẽ thu được từ ôtô 4.400 tỷ đồng/năm, xe máy là 1.500 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Khánh Toàn cũng cho biết giải pháp thu phí lưu hành xe cá nhân và thu phí xe ôtô vào trung tâm để giảm mật độ các phương tiện này sẽ gây tốn kém cho người dân và tạo thêm bức xúc cho người dân khi thực tế hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn chưa có, trong khi cầu đường xuống cấp hư hỏng liên tục...

Để thực hiện giải pháp này, các đơn vị hữu quan cần nghiên cứu, cân nhắc thời gian nào là thời gian cao điểm và mức phí thu nên chăng được hạ xuống để giảm nhẹ chi phí cho người dân.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, vấn đề mấu chốt và cần làm hiện nay là Bộ Giao thông Vận tải cùng các địa phương cần tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng (tàu điện ngầm, đường sắt trên cao, xe điện mặt đất, xe buýt...) nhanh hơn, tốt hơn.

Sau khi phát triển tốt vận tải công cộng, người dân sẽ thấy được lợi ích và tự động chuyển sang sử dụng vận tải công cộng, thay thế cho xe cá nhân./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần