"Thủ phủ" lợn phía Nam đạt 85% việc tái đàn

TRÚC MAI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020, tỉnh Đồng Nai sẽ tái đàn lợn lên đến 2,5 triệu con, được chăn nuôi tại 250 trang trại có quy mô lớn của tỉnh.

Ngày 4/5, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về tình hình chăn nuôi lợn năm 2019 và kế hoạch năm 2020, việc thực hiện đến quý I/2020.
Buổi làm việc đặt ra nhiều vấn đề như: Giá thịt lợn; cơ cấu đàn (tổng đàn, đàn nái, đàn thịt…); quá trình chăn nuôi gặp những khó khăn, bất cập gì trong việc tái đàn, khôi phục sản xuất; tổng kinh phí phải hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi (TLCP) năm 2019 và 2020, cấp Trung ương và địa phương hỗ trợ bao nhiêu…

 Việc tái đàn lợn ở tỉnh Đồng Nai được Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đánh rất giá cao. 
Trước buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã đi thực tế 2 trang trại có quy mô lớn ở huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom. Qua kiểm tra việc tái đàn ở 2 trang trại này cho thấy, lợn phát triển tốt, việc tái đàn được thực hiện bảo đảm theo quy định an toàn sinh học.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, năm 2019 toàn tỉnh có khoảng 450.000 con lợn (tương đương 24.000 tấn) phải tiêu hủy vì bị dịch tả lợn châu Phi (TLCP). Tổng kinh phí phải hỗ trợ các hộ có lợn bị tiêu hủy lên tới 668 tỷ đồng. Để tái đàn lợn sau dịch TLCP, tỉnh Đồng Nai đề ra kế hoạch đến cuối năm 2020 tổng đàn lợn phải đạt 2,5 triệu con (bằng trước thời điểm xảy ra dịch TLCP), được chăn nuôi ở 250 trang trại có quy mô lớn.
Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết trong việc tái đàn lợn sau dịch TLCP, các ngành chức năng luôn chú trọng bảo đảm an toàn sinh học, khuyến khích tái đàn tại các trang trại lớn, không cho tái đàn tại các cơ sở nhỏ, lẻ. “Khó khăn nhất hiện nay của tỉnh Đồng Nai là giống lợn để tái đàn, vì chủ yếu nguồn giống từ các doanh nghiệp nên rất khan hiếm dẫn đến giá cao (từ 2,5 - 3 triệu đồng/con). Vì vậy tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp con giống hỗ trợ cho địa phương và tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong việc chi hỗ trợ 700 tỷ đồng cho hộ dân có lợn bị tiêu hủy do dịch TLCP. Đồng thời việc hỗ trợ tính theo số lượng con”, ông Chánh, kiến nghị.
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết tỉnh Đồng Nai là địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất cả nước, với khoảng 2,1 triệu con như hiện nay (giảm 19,38% so với cùng kỳ, giảm 19,41% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch TLCP). Trong đó, lợn của các doanh nghiệp FDI chiếm gần 54%, còn lại là các doanh nghiệp trong nước và các hộ dân.
Cũng theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện nay địa phương có 815 con lợn giống cụ kỵ, ông bà, 215.000 lợn nái sinh sản, 64.517 lợn nái hậu bị, 3.700 con đực giống, 371.755 lợn con theo mẹ, 1.375.213 lợn thịt. Chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90%, chăn nuôi nhỏ lẻ gần 10% tổng đàn, với khoảng 6.150 hộ nuôi. Hiện đã có 10/11 địa phương đã triển khai thực hiện tăng đàn (trừ TP Biên Hoà, vì đang trong lộ trình di dời chăn nuôi ra khỏi đô thị), với 328 cơ sở đã tái và tăng đàn, đạt số lượng 219.845 con.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, khẳng định: “Đồng Nai là tỉnh có tổng đàn lợn lớn nhất cả nước. Hiện nay Đồng Nai làm rất tốt công tác tái đàn lợn, với tổng đàn đạt 85% so với trước thời điểm xảy ra dịch TLCP. Đây là nỗ lực rất lớn của Đồng Nai, góp phần ổn định sản xuất và giảm giá thịt lợn trên thị trường. Việc tái đàn lợn trong thời gian tới cần bảo đảm an toàn sinh học, khuyến khích thực hiện các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, nhất là doanh nghiệp nuôi lợn giống. Chính quyền địa phương cần làm việc với các ngân hàng để cung cấp vốn vay ưu đãi cho người chăn nuôi lợn. Các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn tại Đồng Nai cần có trách nhiệm xã hội trong việc thực hiện giảm giá thịt lợn theo yêu cầu của Chính phủ”.