Theo đó, Nhà Trắng đã sử dụng những thông tin do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cung cấp để dành lợi thế về ngoại giao, kinh tế trước các đồng minh như Nhật Bản, Brazil. Sốc, khủng hoảng niềm tin, cảm giác bị "bạn bè phản bội"… là những từ được các phương tiện truyền thông, lãnh đạo các quốc gia bị NSA do thám sử dụng trong những ngày này. Vì thế, tối hậu thư liên minh Nhật - Mỹ, vốn là đối trọng của Trung Quốc tại châu Á có khả năng bị phá hủy mà Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản vừa phát đi hôm 5/11 không phải là một câu nói đùa. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đây chỉ là một thử thách nhỏ trong quan hệ giữa các đồng minh lớn. Vì suy cho cùng, cả Mỹ và Đức, Nhật Bản cùng các đồng minh ở châu Âu hay châu Á đều mong muốn một mối quan hệ tốt đẹp để đảm bảo lợi ích quốc gia. Ngay cả khi lòng tin bị sứt mẻ, mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh truyền thống tại châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương không phải là con đường một chiều. Thỏa thuận không do thám lẫn nhau giữa Mỹ - Đức sẽ được đàm phán và ký kết, căng thẳng giữa Mỹ - Nhật sẽ được xoa dịu nhưng kể từ giờ cho đến lúc đó, Washington sẽ phải làm nhiều hơn nữa để xây dựng lại "lòng tin chiến lược" của mình với các đối tác. Trên thực tế, sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 5/11 tại Ba Lan trong khuôn khổ chuyến công du 10 ngày tới Trung Đông - Bắc Phi đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ với các đối tác tại Lục địa già. Chuyến thăm đầu tiên của một chính khách cấp cao Mỹ sau bê bối do thám của NSA là cơ hội để người đứng đầu cơ quan ngoại giao giải thích cho hành động của cơ quan an ninh nước này.