KTĐT - Từ năm 2009 đến nay, Hà Nội đã có gần 20.000 bê con ra đời từ phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT). Bê lai từ phương pháp TTNT không những đem lại giá trị kinh tế cao, tiết kiệm chi phí mà còn góp phần tạo thêm việc làm cho đội ngũ dẫn tinh viên.
Tuy nhiên, phương pháp lai giống này hiện vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ, chưa thay thế được phương pháp truyền thống của người dân.
Hiệu quả từ TTNT
Xã Minh Châu, huyện Ba Vì là địa phương có đàn bò thịt lớn nhất TP với 3.045 con, trong đó có 2.200 con bò cái sinh sản. Nhờ chăn nuôi bò thịt mà nhiều gia đình đã giàu lên. Tổng giá trị sản xuất từ chăn nuôi bò chiếm 54% giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn xã. Ông Phương Văn Trò, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay từ năm 1993, chính quyền xã Minh Châu đã sớm quan tâm tới việc nâng cao chất lượng đàn bò. Đến năm 2003, toàn xã Minh Châu đã có 2.100 con bò lai Sind, trong đó có hơn 1.300 con bò sinh sản. Năm 2007, đàn bò ở Minh Châu đã có gần 100% con bò lai
Ông Nguyễn Công Hậu, dẫn tinh viên huyện Sóc Sơn cũng cho biết: Chương trình cải tạo và nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp TTNT đã đem lại sự phấn khởi cho bà con. Bê sinh ra chất lượng tốt, giá bán cao, hiệu quả kinh tế rõ rệt. Theo ông Cấn Văn Thi, cán bộ Hội Dẫn tinh viên TP thì bê lai từ các giống bò mới (Brahman, Droughtmaster) có nhiều ưu điểm như: ổn định lượng sữa, thích nghi với điều kiện khí hậu và thuần hơn các giống bò không thuần chủng. Không những thế, trọng lượng bê lai lại lớn hơn, giá trị kinh tế cao hơn... đã góp phần quan trọng vào chủ trương xóa đói giảm nghèo của đất nước.
Vẫn còn hạn chế
Tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác cải tiến nâng cao chất lượng giống bò diễn ra ngày hôm qua (28/7), ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi gia súc lớn TP cho biết: Thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng đàn bò, từ năm 2009 đến nay, Trung tâm PTCN gia súc lớn đã tổ chức phối giống cho 32.617 lượt con bò bằng phương pháp TTNT, trong đó có 12,149 lượt tinh bò sữa và 20.468 lượt tinh bò thịt. Bên cạnh đó, chương trình TTNT bò thịt miễn phí tại 50 xã trên địa bàn TP cũng đạt 4.705 con, đáp ứng 18% số bò trong độ tuổi sinh sản. Đến nay đã có tổng cộng 19.480 con bê con được sinh ra từ phương pháp TTNT, trong đó có 15.260 con bê thịt và 4.120 con bê sữa.
Theo ông Tường, hiệu quả từ công tác TTNT bò, về mặt kỹ thuật là góp phần cải thiện khả năng di truyền, an toàn dịch bệnh và quản lý giống được tốt hơn. Còn về mặt kinh tế, TTNT góp phần giảm chi phí mua giống, chăm sóc nuôi dưỡng, thức ăn, chuồng trại; tăng giá trị kinh tế trong chăn nuôi và tạo thêm việc làm cho dẫn tinh viên... Tuy nhiên, việc triển khai công tác TTNT miễn phí tại một số địa phương còn chậm, chưa hiệu quả, thiếu sự quan tâm của các cấp, ngành nên người dân chưa được hưởng lợi. Bên cạnh đó, một số địa phương do tập quán chăn nuôi còn lạc hậu, chưa nhận thức rõ lợi ích của phương pháp TTNT cho bò, do vậy dẫn tinh viên thuộc khu vực này mặc dù đã qua đào tạo nhưng không phát huy được chuyên môn. Hiện số lượng bò được TTNT mới đạt trên 20% tổng đàn bò cái sinh sản, số còn lại trên 70% vẫn được phối giống trực tiếp từ bò đực do người dân chăn nuôi. Mặt khác, do tình trạng đô thị hóa cao, đàn bò bị xáo trộn về số lượng nên ngay cả chương trình TTNT miễn phí cũng còn tới 4 xã chưa triển khai được; 12 xã đã thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao...
Để phát triển mạnh đàn bò sữa và ổn định đàn bò thịt tại các vùng đã được quy hoạch theo chủ trương của TP, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Trong thời gian tới, Trung tâm PTCN gia súc lớn phải tiếp tục quan tâm tới công tác nâng cao chất lượng giống. Phối hợp với các quận huyện, thị xã thực hiện quy hoạch trong chăn nuôi, tăng cường công tác TTNT cho bò, phát triển đàn bò sữa theo hướng nâng cao chất lượng và sản lượng sữa... Sở NN&PTNT sẽ đề nghị TP tăng cường hỗ trợ kinh phí trong công tác TTNT để Trung tâm thực hiện tốt chủ trương này.