Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng băn khoăn khâu yếu nhất của cán bộ là sự liêm chính

Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác CCHC giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai kế hoạch CCHC 2016 - 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ băn khoăn, khâu yếu nhất là cán bộ liêm chính phục vụ Nhân dân…

“Như vấn đề đất đai giải quyết chỗ này, chỗ kia chính quyền giấu sổ này sổ kia (sổ đỏ - Giấy chứng nhận QSDĐ) khiến người dân bất bình. “Một hệ thống cán bộ cấp hành chính như thế làm sao họ tin được”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ngày 17/8, Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác CCHC giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai kế hoạch CCHC 2016 - 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tham dự tại các đầu cầu. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cùng lãnh đạo các sở, ngành của TP tham dự.
Thủ tướng băn khoăn khâu yếu nhất của cán bộ là sự liêm chính - Ảnh 1
Khâu yếu của cán bộ là liêm chính

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tổng kết CCHC phải tiến hành thực chất, “làm sao đánh giá tình hình và giải pháp sát với thực tiễn, không hình thức”, “chứ nói chung chung quá thì không vận dụng được”. Thủ tướng cũng cho rằng: “Chúng ta đang bàn về một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt để phục vụ Nhân dân, phục vụ sự phát triển”.

Theo Thủ tướng khâu yếu nhất là cán bộ liêm chính phục vụ Nhân dân, đề nghị các đại biểu cùng tập trung, phân tích rõ vấn đề này. Tinh thần là nói thẳng, nói thật, nói vào những việc gai góc vướng mắc hiện nay trong bộ máy tổ chức, đội ngũ cán bộ công chức, thể chế pháp luật, trong dịch vụ hành chính công, tiền lương… “Cán bộ được hưởng lương từ xã, huyện, tỉnh chính là tiền thuế của dân. Quan trọng là cấp tỉnh, huyện, xã phải để người dân thấy cán bộ hành chính phục vụ Nhân dân. Do đó, thực chất trong tổng kết đánh giá, không phải hình thức”, Thủ tướng nói. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các đại biểu hiến kế các giải pháp cụ thể để thực hiện công cuộc CCHC thành công trong giai đoạn tới, trong đó, năm 2016, 2017 phải làm gì.

Thủ tướng cho rằng, xây dựng Chính phủ điện tử, phải áp dụng CNTT rộng rãi và cần công khai thông tin. “Như vấn đề đất đai giải quyết chỗ này, chỗ kia chính quyền giấu sổ này sổ kia (sổ đỏ - Giấy chứng nhận QSDĐ) khiến người dân bất bình. Một hệ thống cán bộ cấp hành chính như thế làm sao có niềm tin của người dân được. Chúng ta phải sửa, phải minh bạch hóa, điện tử hóa cái này. Chính phủ điện tử chính là phục vụ trực tiếp đối với quyền của người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, giai đoạn 2011 - 2015, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành trên 11.700 văn bản chỉ đạo, điều hành công tác CCHC; Tổ chức kiểm tra hơn 1.600 cơ quan, đơn vị và ở địa phương là trên 8.000 cơ quan, đơn vị. Tính đến hết quý I/2016 các bộ, ngành đã đơn giản hóa 4.525/4.723 TTHC, đạt 95,8%; 100% các dịch vụ công cơ bản đã được các bộ, ngành và địa phương cung cấp trực tuyến mức độ 2 và đang triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4…

Theo Bộ Nội vụ, những hạn cần khắc phục là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo CCHC ở một số nơi chưa thực sự quyết liệt; hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp. TTHC trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp; số lượng các TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông còn ít; việc công bố, công khai TTHC còn chậm. Bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các sở ở cấp tỉnh và các phòng ở cấp huyện còn cồng kềnh, phức tạp, thiếu ổn định. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đồng đều, còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực; kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn còn lỏng lẻo và tình trạng tuỳ tiện, thiếu quy định rõ ràng về quy trình giải quyết công việc ở các cơ quan hành chính...

Chính phủ đặt ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020 là phấn đấu đạt mức độ hài lòng của người dân, DN về giải quyết TTHC; và dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2020…

Hà Nội - đồng hành CCHC

Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, đến nay, tỷ lệ TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông toàn TP Hà Nội đạt 98%. Có 8 nhóm lĩnh vực được đơn giản hóa TTHC là: Đầu tư, đất đai, xây dựng, GTVT, du lịch, văn hóa, công nghiệp, tiêu dùng, TT&TT. Hà Nội đã cắt giảm thời gian hồ sơ 114 TTHC. Cụ thể: Lĩnh vực QH-KT có 2 thủ tục cấp thông tin quy hoạch; đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước giảm hồ sơ, giảm thời gian giải quyết từ 10-20 ngày; Thủ tục cấp phép xây dựng công trình giảm từ 30 xuống còn 15 ngày, nhà riêng lẻ còn 10 ngày… Từ 1/9, việc đăng ký thủ tục kinh doanh tại TP sẽ tiến hành qua mạng điện tử… 

Hà Nội cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên địa bàn với 7,5 triệu dân cư. Trong đó, đã thực hiện 11 TTHC qua môi trường mạng như: Khai báo tạm trú cho người nước ngoài; tuyển sinh đầu cấp; quản lý học sinh qua học bạ điện tử; cấp giấy phép kinh doanh cho DN…

Tại hội  nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã giới thiệu Trung tâm hành chính công, được Chính phủ cho thí điểm thực hiện 3 năm nay. Kết quả, có 98,3% người dân hài lòng, việc giải quyết TTHC thuận lợi. Tuy nhiên, mô hình này, mới thí điểm lập ở tỉnh, chưa căn bản giải quyết nhu cầu của người dân. “Đơn cử, nếu người dân ở đầu tỉnh, hay cuối tỉnh đến trung tâm này làm TTHC phải đi mấy trăm km, quá vật vả. Tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ cho nhân rộng tại một số huyện”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đề nghị.

Trách nhiệm người đứng đầu trong CCHC

Kết luận hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng và tiến bộ của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện CCHC thời gian qua. Nhấn mạnh nhiệm vụ CCHC nhà nước giai đoạn II (2016 - 2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao chất lượng toàn diện triển khai CCHC tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp; gắn việc CCHC với triển khai các nhiệm vụ, đề án, dự án trên cơ sở thực hiện các nội dung về giải pháp, kinh phí và trách nhiệm thực hiện. Cùng với đó phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước tại các bộ, các tỉnh, TP trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC; đồng thời, tiếp tục phát huy những kinh nghiệm tốt trong CCHC nhà nước giai đoạn vừa qua, chủ động nghiên cứu những kinh nghiệm của các nước trên thế giới và khu vực để áp dụng vào thực tiễn đối với các bộ, ngành, địa phương nói riêng, đất nước nói chung hiệu quả.

Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương không ngừng cải tiến, đổi mới nâng cao chất lượng thực hiện CCHC, kịp thời tiếp nhận, tháo gỡ những khó khăn cho tổ chức, DN và người dân. “Để xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân, phục vụ sự phát triển, điều cốt lõi là bộ máy hành chính công, vì vậy giai đoạn tới, chúng ta cần phải quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự phục vụ Nhân dân, đặc biệt là phải có những hành động cụ thể để mang lại niềm tin của Nhân dân qua CCHC, nhất là TTHC”, Thủ tướng nhấn mạnh.