Thủ tướng: Kiên quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, bảo đảm môi trường phát triển hòa bình

Công Thọ - Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 8/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu báo cáo làm rõ vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tiếp tục coi khoa học công nghệ là động lực phát triển đất nước

Chất vấn Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) khẳng định, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để khẳng định vai trò của khoa học - công nghệ đối với phát triển đất nước. Tuy nhiên, đến nay khoa học - công nghệ vẫn chưa thực sự trở thành yếu tố trực tiếp đóng góp mạnh cho sự phát triển. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị Thủ tướng cho biết, Chính phủ có giải pháp gì để thị trường khoa học, cụ thể là các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu khoa học - công nghệ được phát huy vai trò của mình, thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, không chỉ có nghị quyết của trung ương về khoa học, công nghệ, coi khoa học và công nghệ là giải pháp then chốt trong phát triển, chúng ta còn có Luật Khoa học và công nghệ cũng như các văn bản luật khác có liên quan. Hệ thống văn bản pháp luật về khoa học, công nghệ rất cụ thể. Chúng ta đã quyết định dành một khoản ngân sách rất lớn, 2% trên tổng số ngân sách nhà nước để đầu tư cho khoa học và công nghệ. Đây là nguồn lực rất quan trọng.

Thủ tướng cũng nêu rõ, chúng ta có thị trường nội địa rất lớn, gần 100 triệu dân để phát triển khoa học và công nghệ. Chính vì vậy, chúng ta phải coi trọng các trường đại học, viện nghiên cứu, nhà khoa học, đặc biệt coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo. Hơn ai hết, doanh nghiệp phải tập trung nghiên cứu đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ để phát triển kịp với thị trường trong quá trình hội nhập với thế giới. Cùng với đó, phải kết hợp giữa nghiên cứu, đào tạo với sản xuất, kết hợp với những giải pháp, những đề tài cấp quốc gia.

Chúng ta coi trọng nhân tài trong phát triển khoa học - công nghệ để đóng góp xây dựng đất nước với những giải pháp như vậy. Khẳng định điều này, Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta sẽ tiếp tục coi khoa học - công nghệ là động lực phát triển đất nước trong thời gian tới.

Thực hiện đúng Luật Quản lý tài nguyên nước

Chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu vấn đề: Qua việc nhà máy nước sông Đà bị đầu độc có dấu hiệu lợi ích nhóm, tạo ra một cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường nước sạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng bộc lộ một lỗ hổng về an ninh quốc gia. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, với vụ việc này, “cần làm ba việc”: phải xử lý nghiêm lý nghiêm các vi phạm; cần xem xét lại hoàn thiện quy hoạch sản xuất và cung ứng nước sạch; nghiên cứu xây dựng luật về cung ứng sản xuất và cung ứng nước sạch.

Trả lời chất vấn này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nói về vấn đề nước sạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Quản lý nguyên nước năm 2012 đã được QH thông qua. Trong đó, hãy làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn cho người dân, tránh tình trạng như vừa qua chúng ta đã biết trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cũng đã nói về tỷ lệ Nhà nước nắm giữ đối với nước sạch. “Tôi rất quan tâm ý này và đã yêu cầu các cấp, các ngành nắm và thực hiện theo đúng Quyết định 2502 của Thủ tướng ngày 22.12.2016”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng nhất trí rằng, nước sạch là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe của người dân. Do vậy, Thủ tướng phải tăng cường chỉ đạo các cấp kiểm tra các cấp, các ngành để thực hiện đúng Luật Tài nguyên nước đã ban hành.

Dự án nhà máy điện khí Bạc Liêu: Bổ sung ngay vào sơ đồ Quy hoạch điện 7

Liên quan đến dự án Nhà máy điện khí Bạc Liêu mà một số đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đã có cuộc họp với các cấp, các ngành, trong đó có Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch và Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực. Thủ tướng và Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí tại cuộc họp Đảng đoàn QH, Ban cán sự Đảng, Chính phủ ngay sau Kỳ họp thứ Bảy. Để Bạc Liêu xây dựng nhà máy điện khí không trái quy hoạch (trước đây chúng ta đã có quy hoạch xây dựng nhà máy điện than 1200 kwh tại Bạc Liêu, nay chuyển sang xây dựng điện khí). Chính vì vậy, cần phải đưa ngay bổ sung vào sơ đồ Quy hoạch điện 7, để Bạc Liêu triển khai. Bộ Công Thương và tỉnh Bạc Liêu cần triển khai ngay việc này. Lưu ý các cấp, các ngành có liên quan không được để chậm trễ để tình trạng như ĐBQH chất vấn.

Chúng ta không được để thảm kịch 39 người chết tại Anh tái diễn

Trước khi báo cáo một số nội dung tiếp thu giải trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là “rừng vàng, biển bạc”. Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. Đảng và Nhà nước chúng ta cùng cả hệ thống chính trị cam kết luôn nỗ lực chăm lo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được học hành, được có việc làm, không ai bị bỏ lại phía sau. Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương.

“Chúng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân”, Thủ tướng xúc động. “Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn! Thực tiễn và bối cảnh đòi hỏi chúng ta phải hành động thiết thực hơn nữa, nhanh và mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để đạt mục tiêu chiến lược là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Tiếp tục đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công 

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo thúc đẩy giải ngân đầu tư công; nhưng thực tế cho thấy vẫn cần tiếp tục đôn đốc giải quyết sát sao hơn, đồng thời, cần sự chủ động, sáng tạo vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các cấp chính quyền, của từng cơ quan, đơn vị. Các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bám sát kế hoạch và tiến độ giải ngân của từng dự án thuộc thẩm quyền quản lý; khẩn trương đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư  của ngành mình, địa phương mình; không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Không được để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm phát sinh thêm chi phí, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và hạn chế tiềm năng phát triển đất nước. Không được để thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công; phải đảm bảo hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất.

Về  dự án trọng điểm quốc gia Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đây là những dự án đã được QH phê duyệt chủ trương đầu tư, ưu tiên bố trí vốn. Khẳng định điều này, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã và đang tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện; Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo QH và phê duyệt báo cáo khả thi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã cam kết bàn giao mặt bằng vào đầu năm 2020 để khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025. Đối với 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc -  Nam phía Đông, trong số 3 dự án đầu tư công thì đã khởi công 1 dự án, 2 dự án còn lại sẽ triển khai trong quý IV năm nay. 8 dự án theo hình thức PPP chuyển sang đấu thầu trong nước, sẽ triển khai xây dựng vào giữa năm 2020.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến về việc triển khai Nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu còn nhiều khó khăn về nguồn vốn, trong khi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối còn nhiều bất cập và tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng gần đây... Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã và đang tập trung chỉ đạo, quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng ĐBSCL; đặc biệt cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được ưu tiên bố trí đủ vốn và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2021; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ triển khai quý I.2020 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ sớm triển khai thực hiện.

 Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Chúng ta có kế hoạch bố trí 16.700 tỷ đồng cho các dự án phát triển ĐBSCL. ”Chính phủ sẽ kiến nghị QH tiếp tục bố trí đủ 3.400 tỷ đồng nữa từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng ngân sách trung ương 2019 để hỗ trợ các địa phương trong vùng. Thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí NSNN và tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để giải quyết các vấn đề cấp bách như đối phó tình hình sạt lở bở sông, bờ biển, suy giảm nguồn nước, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có việc tập trung đầu tư cảng biển, cảng sông. Quyết tâm thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đã được duyệt, không ngừng cải thiện đời sống của hơn 20 triệu người dân vùng ĐBSCL, phát huy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh và sự đóng góp của Vùng cho đất nước.

Trong phát biểu trước QH, Thủ tướng cũng báo cáo về vấn đề: cơ cấu lại DNNN; cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém và xử lý nợ xấu; môi trường đầu tư kinh doanh; công tác bảo vệ môi trường; và các vấn đề xã hội; năng lực bộ máy hành chính và chất lượng cán bộ; đấu tranh chống tham nhũng.

Bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với hành vi xâm phạm chủ quyền

Về quốc phòng, an ninh, Thủ tướng nêu rõ, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước các hành vi vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của nước ta được xác định theo luật pháp quốc tế trên biển Đông và hiến kế cho Chính phủ nhiều giải pháp cụ thể. Đây cũng là mối quan tâm, nỗi lo lắng chung của đồng bào ta. Chúng ta đều biết dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trải qua nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, gìn giữ độc lập và thống nhất đất nước nên khó có ai thấm nhuần ý nghĩa của hòa bình sâu sắc hơn chúng ta.

Thủ tướng khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng và trên cơ sở các căn cứ pháp lý, thời gian qua, chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển nước ta. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các hoạt động thực thi pháp luật bằng các giải pháp phù hợp, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển Đông. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế, của những quốc gia và lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý.

Chúng ta sẽ tận dụng năm ASEAN tốt nhất

Năm 2020, Việt Nam sẽ là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và Chủ tịch ASEAN. Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề nghị Thủ tướng cho biết, những quyết sách để tận dụng cơ hội này đối với đất nước thời gian tới?

Thủ tướng sẽ tập trung như thế nào đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, để cộng đồng cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện tốt một trong ba trọng tâm của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.

Với “nền kinh tế vào ban đêm” đang trao đổi rất rộng rãi và có nhiều ý kiến khác nhau, đại biểu Nguyễn Văn Thân đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm?

Về việc tận dụng thời cơ đối với ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chúng ta sẽ tận dụng năm ASEAN tốt nhất, với tinh thần Việt Nam là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. “Ít có quốc gia nào trùng lặp hai sự kiện quan trọng này trong đối ngoại của đất nước”.

Nhấn mạnh điều này, Thủ tướng khẳng định: Chúng ta cần tận dụng thời cơ này để đưa đất nước có bước phát triển mới tốt hơn, vị thế tốt hơn. Đối với các nước ASEAN, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta không những tiếp tục thực hiện tốt 3 mục tiêu quan trọng, mà còn tiếp tục giữ gìn đoàn kết nội khối lấy ASEAN là trung tâm để nâng cao vị thế Việt Nam. Đẩy mạnh quan hệ thương mại đầu tư trong nội khối thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các nước ASEAN đấu tranh giữ gìn hòa bình, thống nhất trong ASEAN, để bảo vệ luật pháp quốc tế ở khu vực Biển Đông.

 Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng nêu rõ, hiện đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã có Nghị định của Chính phủ, có Ban Chỉ đạo quốc gia chỉ đạo thực hiện, và chương trình hành động. Chúng ta tiếp tục tạo điều kiện về tín dụng, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực và đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa các thành phần kinh tế, giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp Nhà nước, với doanh nghiệp FDI và các thành phần kinh tế khác, để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thời cơ, vừa phát huy vai trò rất quan trọng của nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Về “nền kinh tế ban đêm”, nhất trí với ý kiến của đại biểu, Thủ tướng chỉ rõ, kinh tế ban đêm là sự năng động kinh tế trong hội nhập, thúc đẩy tiêu dùng và tăng trưởng. Hiện lượng khách du lịch Việt Nam đã đạt ít nhất là 18 triệu, phần lớn trái múi giờ… Kinh tế ban đêm tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết lao động. Do vậy, trước hết Thủ tướng “mong các trung tâm kinh tế, các thành phố lớn phát triển kinh tế ban đêm”: Làm gì để du khách đến đông hơn, làm gì để du khách ở lại lâu hơn, làm gì để khách tiêu tiền nhiều hơn, làm gì để khách kể về những trải nghiệm thú vị tại Việt Nam, làm gì để du khách quay trở lại sớm nhất có thể.

Tất nhiên, theo Thủ tướng, kinh tế ban đêm cũng có mặt trái của nó, và đề nghị cần phải chú trọng tốt công tác quản lý, không để tiêu cực có thể xảy ra.

“Kinh tế ban đêm là một xu hướng các nước đang vận dụng, và Việt Nam nên tận dụng thời cơ này”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng: Không để văn hóa Việt Nam bị lai căng

Về phát triển văn hóa mang tầm chiến lược, Thủ tướng cho rằng việc này là hết sức cần thiết, phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế nhưng cũng phải trở thành một cường quốc văn hóa thì Việt Nam mới thành công. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đã có trên 4.000 năm lịch sử, có sức mạnh nền tảng rất lớn, và nhấn mạnh phát triển văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, các dân tộc đều đoàn kết, thống nhất. Theo Thủ tướng đây là vấn đề hết sức quan trọng và có ý nghĩa.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, khuyết điểm trong quản lý Nhà nước về văn hóa mà Thủ tướng cho rằng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa đổi. Như nhiều thách thức trong kinh tế thị trường trong phát triển văn hóa, chưa nền nếp trong hoạt động văn hóa, hay chưa thực hiện các cuộc vận động do cơ quan mặt trận, Đảng, Nhà nước phát động. Ông đề nghị không được để nền văn hóa Việt Nam lờ nhờ, nghệch ngoạc, không để văn hóa lai căng. Đây là nhiệm vụ giữ gìn, bảo vệ và phát triển văn hóa cho xứng đáng với truyền thống 4.000 năm lịch sử.

Trả lời đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) về tăng trưởng bao trùm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mô hình tăng trưởng của Việt Nam coi trọng sự bình đẳng tiếp cận các cơ hội, để mọi người dân thụ hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bỏ lại phía sau.

Ông đánh giá chủ trương này rất quan trọng bởi ở một số nước, lấy phía đông nuôi phía tây, hay ưu tiên phát triển thành phố lớn. Đảng và Nhà nước ta xác định phát triển đồng đều các vùng. Thủ tướng cho biết vui mừng về sự phát triển các vùng sâu, vùng xa, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Chính phủ đã trình Quốc hội đề án phát triển vùng đồng bào dân tộc. Chương trình mục tiêu quốc gia sắp được Quốc hội cho ý kiến, từ đó thực hiện chủ trương phát triển bao trùm. Chính phủ cũng tạo mọi điều kiện, cơ hội cho mọi người, nhất là người nông thôn miền núi cải thiện thu nhập.

Thủ tướng cũng nhắc đến những nỗ lực và thành tựu trong giảm nghèo, củng cố mạng lưới an sinh xã hội, xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội hiện đại, thu hẹp bất bình đẳng. Ông nhắc đến hình ảnh một bà cụ ở Thanh Hóa 83 tuổi đã 3 lần viết đơn xin thoát khỏi nghèo. “Điều này cho thấy ý thức tự lực, tự chủ của người dân, đúng truyền thống văn hoá của dân tộc”, ông nói.

Gần 250 lượt chất vấn và tranh luận trong 3 ngày

Phát biểu kết luận 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đã có gần 250 lượt đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận. Các ĐBQH đã nắm chắc thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề chất vấn, nhiều đại biểu tranh luận để làm rõ thêm các vấn đề quan tâm. Cơ bản các ĐBQH hài lòng với những nội dung trả lời của các thành viên Chính phủ.

Chủ tịch QH khẳng định: Qua 8 kỳ họp cho thấy, phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy sự năng động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và trach nhiệm của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, trước cử tri; trách nhiệm, trí tuệ và năng lực hoạt động của các ĐBQH tại nghị trường, không khí dân chủ, đổi mới, tính chuyên nghiệp của hoạt động QH đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri.

Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức, trách nhiệm, đã chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời nghiêm túc, chân thành, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực; đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. 

“Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong việc trả lời chất vấn và thực hiện những điều đã cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước”, Chủ tịch QH nói.

Theo Chủ tịch QH, kết quả phiên chất vấn tại kỳ họp này cho thấy, các nội dung chất vấn đã được các ĐBQH lựa chọn đúng và trúng bao quát các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội được Nhân dân, cử tri cả nước quan tâm theo dõi và đánh giá cao. Các câu hỏi chất vấn của các ĐBQH một mặt thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của QH, nhưng mặt khác cũng chính là sự chia xẻ những khó khăn trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, đồng thời cũng là những gợi ý, bổ sung những giải pháp cho chương trình, kế hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành để từ đó có các quyết sách phù hợp trong quản lý, điều hành, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của Nhân dân và cử tri. Điều này cho thấy sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ như Thủ tướng đã nói trong phần trả lời chất vấn của mình.

Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn là có hạn, có nội dung đã được trao đổi, trả lời tương đối cụ thể, nhưng cũng còn nhiều nội dung cần tiếp tục được làm rõ. Có những vấn đề cần làm ngay, nhưng cũng có những nội dung phải có thời gian, có lộ trình để triển khai. Các nội dung cụ thể về từng lĩnh vực đã được kết luận tại mỗi phiên chất vấn đối với các Bộ trưởng. “Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của ĐBQH, của cử tri và Nhân dân gửi đến các kỳ họp, triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến tích cực đối với những lĩnh vực quản lý”, Chủ tịch QH nêu rõ. 

Trên cơ sở chất vấn của các ĐBQH và trả lời của các thành viên Chính phủ, Chủ tịch QH cho biết, UBTVQH sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, chuẩn bị nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để trình QH xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở pháp lý cho việc giám sát thực hiện, đồng thời, giúp Chính phủ, các bộ, các ngành thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là những cam kết của thành viên Chính phủ trước QH. Tại kỳ họp cuối năm 2020, QH sẽ tiến hành chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn trong nhiệm kỳ QH khóa XIV. Đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành tập trung chỉ đạo, có biện pháp thiết thực, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của QH để báo cáo QH.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần