Cùng với việc yêu cầu Bộ trưởng nào “chưa có lửa trong lòng mình, trong ngành mình thì hãy nhóm lên” Thủ tướng cũng chỉ rõ "Bộ trưởng thấy DN lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của Bộ".Thống kê mới nhất từ VCCI, trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh (giấy phép con). Trong đó, nhiều nhất là Bộ Công Thương có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 điều kiện kinh doanh. Ít nhất là Bộ Xây dựng cũng có đến 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 106 điều kiện kinh doanh. Mặc dù tinh thần xuyên suốt của Thủ tướng trong thời gian qua là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN nhưng với quan điểm "bỏ giấy phép thì quản lý bằng gì", nhiều bộ, ngành vẫn tìm mọi cách "đẻ" ra các điều kiện kinh doanh. Chính vì thế mà từ 243 điều kiện kinh doanh "mẹ" quy định trong Luật Đầu tư, hiện đã có hàng ngàn điều kiện kinh doanh “con”, “cháu” bủa vây DN mà không tính đến chi phí thời gian và tiền bạc của DN phải tăng lên để đáp ứng các điều kiện này. Tuy nhiên, nếu thực hiện cắt bỏ điều kiện kinh doanh như cách làm cả chục năm nay là rà soát để loại bỏ những điều kiện không hợp lý chắc chắn sẽ không hiệu quả bởi thực tế cho thấy việc "khai tử" những quy định này thì ít trong khi có nhiều những giấy phép con đã bị cắt bỏ nhưng sau đó lại hồi sinh. Đó là chưa kể những quy định mới phát sinh biến tướng và khó nhận diện khi được chuyển hóa thành quy chuẩn kỹ thuật... Một lĩnh vực khiến DN còn phải gánh chi phí rất lớn nữa là kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35% nhưng tỷ lệ sai phạm chỉ là 0,06%. Thậm chí có bộ ban hành danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định tiêu chuẩn và điều kiện kiểm tra. Điều đó có nghĩa là bộ muốn kiểm tra gì cũng được.Quyết tâm phải thể hiện bằng hành động, và tại cuộc họp Chính phủ lần này, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính rà soát toàn bộ chi phí, lệ phí thủ tục hải quan, thuế; Bộ KH&ĐT rà soát những thủ tục liên quan đến giấy phép đầu tư, xây dựng, tiếp cận đất đai, chi phí phát sinh làm các thủ tục… Làm tốt được việc này, không chỉ giúp cải thiện môi trường kinh doanh mà còn giúp giảm được hàng chục nghìn tỷ đồng chi phí cho DN.