Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, chiều 13/12, tại Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở với lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Nhật Bản.

Cuộc đối thoại thu hút lãnh đạo nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu của Nhật Bản, với những tên tuổi quen thuộc như Mitsubishi, Honda, Hitachi, Sumitomo, Canon, Takashimaya…, thể hiện rõ mối quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam trân trọng, hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam trân trọng, hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Giới DN Nhật Bản đánh giá cao những chính sách điều hành kinh tế phù hợp và sự chỉ đạo thực hiện quyết liệt của Chính phủ Việt Nam đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế thành công lạm phát và duy trì tăng trưởng bình quân trong 3 năm qua khoảng 5,6%/năm.

Lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Nhật Bản đều khẳng định quyết tâm mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh và sản xuất tại Việt Nam, đồng thời, đề nghị Chính phủ Việt Nam có chính sách khuyến khích phát triển mạnh mẽ công nghiệp phụ trợ, đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao; tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài mua nhà; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; hoàn thiện và ổn định một số chính sách thuế; đặc biệt là tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, sân bay, cảng biển và điện năng đáp ứng các điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao hiệu quả cho các nhà đầu tư nước ngoài...

Tại đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản đang trong giai đoạn tốt nhất từ trước tới nay. Hai nước đã là Đối tác chiến lược và tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Chính phủ Việt Nam cam kết không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các DN nước ngoài nói chung, DN Nhật Bản nói riêng đầu tư thành công lâu dài và hiệu quả tại Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam trân trọng, hoan nghênh DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam: “Việt Nam luôn coi đầu tư thành công của các bạn chính là thành công của mình vì các bạn thành công sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết việc làm ở Việt Nam. Việt Nam lắng nghe ý kiến của các bạn và sẽ làm hết sức tạo môi trường thuận lợi nhất, cạnh tranh nhất để Nhật Bản đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Việt Nam".

"Hiện Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với số vốn 35 tỷ USD nhưng con số đó còn khiêm tốn so với khả năng, tiềm lực của DN Nhật Bản. Việt Nam cần đầu tư, cần các DN nước ngoài, trong đó đặc biệt là DN Nhật Bản, vì Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng về văn hóa, tập quán nên dễ chia sẻ, thông cảm và ủng hộ lẫn nhau vì lợi ích của cả hai bên. Việt Nam tạo mọi điều kiện để hai bên cùng có lợi, cùng phát triển”, Thủ tướng nói.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp trả lời từng câu hỏi và các nhóm kiến nghị của các tập đoàn kinh tế Nhật Bản liên quan đến quan điểm và hành động cụ thể của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông như: đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Nhà ga T2 Nội Bài, cảng quốc tế Lạch Huyện... cũng như các chính sách đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư-kinh doanh gắn với sửa đổi chính sách ưu đãi thuế và tài chính, nhất là thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, đồng thời khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng, đặc biệt là theo hình thức hợp tác công tư...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ trình Quốc hội Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi theo hướng mở rộng, tạo điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam; có các biện pháp khơi thông thị trường bất động sản; sớm ban hành Quy chế phối hợp hoạt động quản lý Nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án BOT nhà máy nhiệt điện để sớm đưa vào vận hành.