Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc đầu tư Dự án nhà máy kính siêu mỏng

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc chấp thuận đầu tư Dự án Nhà máy kính siêu mỏng chất lượng cao, công suất 1.200 tấn/ngày tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Ninh Bình chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng quyết định chủ trương đầu tư dự án theo đúng thẩm quyền; hướng dẫn DN thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án, bảo đảm sản phẩm đúng chủng loại, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Chủ đầu tư thực hiện các quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm thực hiện dự án đúng tiến độ theo cam kết và các mục tiêu của dự án.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng rà soát Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó tính toán quy hoạch các loại kính đáp ứng với nhu cầu trong nước và xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên với công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại, sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Nhằm tạo ra sản phẩm kính đặc biệt, chất lượng cao, có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đã thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình về sự cần thiết chấp thuận chủ trương để Cty TNHH Công nghiệp Hạ Long - CFG đầu tư Dự án kính siêu mỏng công suất 1.200 tấn/ngày tại huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình với 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 với công suất 600 tấn/ngày đi vào hoạt động trước năm 2022; giai đoạn 2 với công suất 600 tấn/ngày đi vào hoạt động trước năm 2027.

Được biết hiện nay, tổng công suất sản xuất kính phẳng hàng năm của các nhà máy đang sản xuất trong nước ước đạt 3.480 tấn/ngày tương đương 243 triệu m2 quy tiêu chuẩn (QTC)/năm, trong đó kính nổi là 2.950 tấn/ngày tương đương 206 triệu m2 QTC (có 6 nhà máy) và kính cán là 530 tấn/ngày tương đương 37 triệu m2 QTC (có 2 nhà máy). Các nhà máy này hầu hết đều nằm ở các khu vực có vùng nguyên liệu, có hạ tầng kỹ thuật phát triển và phân bổ đều trên cả 3 khu vực Bắc, Trung và Nam Bộ.