Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras cải tổ Nội các

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 9/6, Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras cải tổ Nội các nhằm thổi luồng sinh khí mới vào liên minh cầm quyền hai đảng sau khi liên minh này bị đảng Syriza đối lập chính "qua mặt" trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) mới đây; đồng thời tăng cường các nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài đã 4 năm nay.

 
Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Kinhtedothi - Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người phát ngôn chính phủ Sophia Voultepsi cho biết cuộc cải tổ đã tạo ra sự thay đổi đối với hơn một chục chức vụ bộ trưởng, trong đó có các bộ chủ chốt như y tế, giáo dục, phát triển và nội vụ.

Đáng chú ý nhất, Bộ trưởng Tài chính Yannis Stournaras đã nhường chỗ cho nhà kinh tế đồng thời là giáo sư đại học Guikas Hardouvelis.

Ông Hardouvelis 59 tuổi, là nhà kinh tế hàng đầu làm việc cho EuroBank và từng là cố vấn kinh tế hàng đầu cho cựu Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos vào lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp.

Có tin nói, ông Stournaras sẽ đảm nhiệm chức Thống đốc Ngân hàng Hy Lạp thay ông George Provopoulos sẽ mãn nhiệm vào ngày 21/6 tới.

Bộ trưởng Trật tự Công cộng sắp mãn nhiệm được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phát triển và Cạnh tranh. Nghị sỹ đảng Dân chủ mới cầm quyền Argyris Dinopoulos giữ chức Bộ trưởng Nội vụ.

Các chức vụ được phân chia cho đảng Pasok - đối tác trong liên minh cầm quyền - không thay đổi. Chủ tịch đảng này, Evangelos Venizelos, vẫn giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.

Chức Bộ trưởng Quốc phòng vẫn do ông Dimitris Avramopoulos đảm nhiệm. Ông Kyriakos Mitsotakis vẫn là Bộ trưởng Cải cách hành chính.

Ông Yannis Maniatis vẫn giữ chức Bộ trưởng Môi trường và chức Bộ trưởng Giao thông vẫn do ông Michalis Maniatis nắm giữ.

Đây là lần thứ hai Thủ tướng Samaras cải tổ Nội các kể từ khi ông lên cầm quyền hồi tháng 6/2012. Lần cải tổ thứ nhất diễn ra đúng một năm sau đó, khi xảy ra khủng hoảng chính trị bắt nguồn từ việc đóng cửa đài phát thanh nhà nước ERT.

Theo các nhà phân tích, với cuộc cải tổ mới, liên minh cầm quyền muốn thúc đẩy việc thực hiện những cải cách cần thiết để vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công và khôi phục tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Mặt khác, các đảng đối lập và các nghiệp đoàn cũng đã gây sức ép đòi Chính phủ giảm mạnh tỷ lệ thất nghiệp đang tăng cao và tình trạng suy thoái kinh tế sâu.