Thủ tướng không đăng đàn trực tiếp trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6

Hà My
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay cho thời lượng trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐB Quốc hội tại kỳ họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ có khoảng 45 phút cuối buổi chiều ngày đầu tiên của phiên chất vấn (30/10) để phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Theo chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, hoạt động chất vấn sẽ bắt đầu từ sáng 30/10 (thứ Ba tuần sau) và kéo dài trọn 3 ngày.
 Thông thường, tại các kỳ họp Quốc hội cuối năm, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn.
Kế hoạch ban đầu được gửi tới các ĐB Quốc hội về chương trình phiên chất vấn, Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐB Quốc hội từ 15 giờ đến 16 giờ 35 (giải lao từ 15 giờ 30 đến 15 giờ 50), tức hơn 1 tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, trong ngày 26/10, Tổng Thư ký Quốc hội gửi tới các ĐB nội dung điều chỉnh chương trình chất vấn, về phần trả lời chất vấn của Thủ tướng.
Theo đó, từ 15 giờ 50 đến 16 giờ 35, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Như vậy, thời lượng Thủ tướng dành cho phiên chất vấn chỉ còn 45 phút. Sẽ không còn thời gian cho việc trả lời trực tiếp các câu hỏi của ĐB Quốc hội tại hội trường.
Lý do của việc thay đổi này là do chương trình hoạt động đối ngoại, Thủ tướng sẽ không trực tiếp trả lời chất vấn, chỉ báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ tại cuối buổi làm việc.
Trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, vì kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV nên Quốc hội không lựa chọn danh sách “cứng” các vị Bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn trả lời chất vấn như thông lệ.
Nội dung phiên chất vấn, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2017), nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5. Sau đó, ĐB Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4. 
Như vậy, tuỳ vào diễn biến phiên chất vấn, ĐB Quốc hội đặt câu hỏi về nội dung nào, Bộ trưởng, trưởng ngành phụ trách hoặc liên quan đến lĩnh vực đó sẽ trả lời.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần