Không dùng tiền thuế của dân để bù cho các dự án thua lỗ

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời chất vấn về 5 nhà máy thua lỗ lớn, Thủ tướng cho biết, tinh thần “không sử dụng tiền thuế của dân để bù cho những việc lỗ lãi này”.

Chất vấn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sáng 17/11, Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nêu vấn đề sử dụng tài sản công lãng phí, kém hiệu quả. Chính phủ có giải pháp gì? Đại biểu cũng muốn biết quan điểm của Thủ tướng về 5 dự án thua lỗ lớn (xơ sợi Đình Vũ, Ethanol Phú thọ, đạm Ninh Bình, dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, giấy Long An).
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Trả lời câu hỏi tài sản công lãng phí mà đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu, Thủ tướng cho rằng đúng là có việc sử dụng tài sản công từ đất đai, tài nguyên, xe cộ phương tiện... còn rất nhiều lãng phí.

Chính phủ có chỉ thị về vấn đề này, chúng ta đang thảo luận một Luật về vấn đề này.
Theo Thủ tướng, hệ thống tiêu chuẩn, định mức phải được công bố công khai, có hình thức khoán kinh phí, khoán xe công, đơn vị nào để lãng phí thì người đứng đầu chịu trách nhiệm trước nhân dân, cấp trên. “Đây là một khâu yếu mà chúng tôi cho rằng phải thực hiện mạnh mẽ hiệu quả hơn trong thời gian tới”.
Về 5 nhà máy thua lỗ lớn, Thủ tướng cho biết, tinh thần “không sử dụng tiền thuế của dân để bù cho những việc lỗ lãi này”.
Việc xử lý sẽ được xem xét, kiểm tra, giải quyết kịp thời trong thời gian tới, tinh thần “cắt lỗ”, sử dụng hiệu quả, nếu không hiệu quả thì bán, thậm chí phá sản, để những dự án thua lỗ, đắp chiếu này không là gánh nặng cho nền kinh tế.
Chính phủ sẽ xem xét từng dự án cụ thể để sử dụng tài sản tốt nhất, phù hợp và sẽ báo cáo tình hình xử lý các dự án này trước Quốc hội.
Cũng tại phiên chất vấn, trả lời các đại biểu về quản lý doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang xây dựng dự án để quản lý hiệu quả nguồn vốn nhà nước, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đẩy mạnh công khai minh bạch,...
Về biện pháp tăng cường phòng chống tham nhũng, Thủ tướng cho rằng, cần giải pháp đồng bộ cả về hoàn thiện thể chế để cá nhân không dám, không thể, không muốn tham nhũng; hạn chế cơ chế xin - cho; điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ tham nhũng; tăng cường kiểm soát quyền lực; quan tâm đến đời sống và công tác tư tưởng của cán bộ; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị, báo chí, nhân dân trong giám sát, phòng chống tham nhũng...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần